Tồn tại hay không tồn tại!?

ANTĐ - Sau 2 năm nắm sứ mệnh điều hành giải đấu, song VPF gần như không giúp V-League thoát khỏi trì trệ. Những người lãnh đạo Công ty ngày đầu tỏ ra tâm huyết nay đã cho thấy dấu hiệu mệt mỏi khiến tương lai của VPF bị đặt dấu hỏi lớn.

Tương lai của VPF đang bị đặt dấu hỏi sau 2 năm hoạt động không thật sự hiệu quả

Ngày mới thành lập, VPF nhận được nhiều ủng hộ và kỳ vọng. Sau khi giành bản quyền V-League, lãnh đạo VPF vẽ ra viễn cảnh về một V-League “no ấm” bằng việc thành lập Hội đồng bảo trợ mỗi năm tài trợ 50 tỷ đồng (tăng dần theo từng năm) và kiếm trên 100 tỷ đồng/năm từ tiền bản quyền truyền hình. Hai năm sau, tất cả vẫn chỉ dừng ở những lời tuyên bố. Thực tế cũng đã có một vài doanh nghiệp tham gia Hội đồng bảo trợ nhưng con số ít ỏi này cứ ngày một teo tóp sau “sự cố” cựu Phó chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên bị bắt, còn số tiền bản quyền thu về lại quá khiêm tốn so với con số tuyên bố ban đầu. Ở phương diện kiếm tiền, VPF rõ ràng đã thất bại mà biểu hiện rõ nhất là việc một loạt đội bóng lao đao vì khủng hoảng kinh tế, thậm chí phải bỏ giải (Navibank SG mùa 2012) hay bị cầu thủ kiện vì nợ tiền (K.Kiên Giang mùa 2013). 

Hai năm qua, VPF cũng cho thấy nỗ lực trong việc thay đổi cách thức điều hành giải và hạn chế tiêu cực bằng nhiều biện pháp cụ thể như chấm dứt chuyện các đội bóng chi tiền cho trọng tài làm nhiệm vụ, treo thưởng khích lệ các đội bóng… nhưng chẳng thấm vào đâu khi V-League vẫn tồn tại quá nhiều vấn đề. VPF ngày càng cho thấy mình giống như bản sao của VFF khi mọi quyết sách lớn nhỏ bị chi phối quá nhiều bởi đơn vị góp cổ đông lớn nhất này. Cũng bởi không nắm quyền tự quyết mà không ít lần VPF phải gánh hậu quả cho VFF. Từ vụ XMXT Sài Gòn bỏ giải do bức xúc trước quyết định trừ điểm vô lý của Ban Kỷ luật VFF khiến VPF phải lao đao chữa cháy, cho đến nghi án đình đám 4 trọng tài nhận hối lộ 100 triệu đồng hay một số đội bóng dọa bỏ giải vì bức xúc trọng tài, VPF cũng chỉ biết “ngậm bồ hòn” bởi nằm ngoài tầm kiểm soát. 

Đã xuất hiện những đồn đoán về việc VFF đang cố giành lại quyền tổ chức các giải đấu từ VPF mà điển hình là việc trừ XMXT Sài Gòn tới 4 điểm vào đúng thời điểm nhạy cảm khi giải chỉ còn 2 vòng đấu. Nhưng quan trọng hơn là bản thân VPF đang cho thấy dấu hiệu mệt mỏi, điển hình là việc Chủ tịch Võ Quốc Thắng ngỏ ý sẵn sàng xin rút nếu có người năng lực tốt hơn thay thế. Sau những tuyên bố hùng hồn ban đầu, đã rất lâu người ta không thấy Phó chủ tịch Đoàn Nguyên Đức đăng đàn hoặc thể hiện quan điểm trước mỗi sự vụ lớn của V-League. Nguồn tin hậu trường cho biết Giám đốc điều hành kiêm trưởng BTC giải Trần Duy Ly đã ngỏ ý xin từ chức sau buổi tổng kết sắp tới, dù hợp đồng giữa ông với VPF vẫn còn một năm. Tất cả những dấu hiệu đó hướng người ta tới câu hỏi lớn: VPF sẽ tồn tại hay giải tán?

Phơi bày “mặt xấu” V-League 2013

Hôm qua 12-9, tại TP.HCM, HĐQT Công ty VPF đã họp để nghe báo cáo dự thảo tổng kết mùa giải 2013. Tổng giám đốc Phạm Ngọc Viễn tiết lộ, Ban tổ chức không né tránh mà sẽ liệt kê tất cả các sự cố, lùm xùm liên quan đến giải đấu như XMXT Sài Gòn bỏ giải, tổ trọng tài nghi nhận hối lộ… vào báo cáo, gửi các CLB cho ý kiến và đọc trước hội nghị tổng kết sắp tới để có cái nhìn nghiêm túc, thẳng thắn về mùa giải vừa qua.