Tồn kho công nghiệp đang giảm dần

ANTĐ - Bộ Công Thương cho biết, chỉ số tồn kho đã giảm dần qua các tháng, mặc dù vậy nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. 

Ngành da giày đã không còn tồn kho

Ghi nhận cho thấy, thị trường trong nước đang biến động theo chiều hướng tốt hơn so với tháng trước. Nhiều siêu thị, trung tâm thương mại tiếp tục đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu thị trường và kích thích tiêu dùng. Vào thời điểm này mọi năm, nhu cầu tiêu dùng của người dân bắt đầu tăng do chuyển mùa. Năm nay, thị trường có chuyển biến nhưng chưa rõ rệt. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tháng 10 ước đạt 200,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng 9 và tăng 16,1% so với tháng 10-2011.

Tại Hà Nội, một số mặt hàng có tính thời vụ như quần áo thời trang bắt đầu tăng giá, sức mua cũng tăng lên. Một số mặt hàng tiêu dùng như quần áo, giày dép mùa hè, bát đĩa, xà phòng... có xu hướng tăng giá nhẹ (tăng 0,41%).

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải, Bộ Công Thương đã hết sức nỗ lực trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Vì thế lượng hàng tồn kho tính đến cuối tháng 10 của nhiều ngành hàng, nhiều doanh nghiệp trong ngành công thương đã tiếp tục giảm. Đặc biệt, một số ngành đã không còn tồn kho như ngành da giày... “Đó là nhờ những chủ trương, giải pháp đúng đắn của Chính phủ và Bộ Công Thương trong công tác giải quyết hàng tồn kho cho các doanh nghiệp. Tiếp sau lễ ký kết ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau giữa các tập đoàn, tổng công ty lớn của Bộ Công Thương, Bộ đã tiến hành 6 cuộc họp tại 6 vùng kinh tế trên cả nước để cùng với các sở Công Thương, các địa phương tập hợp được hơn 100 kiến nghị của các ngành hàng, doanh nghiệp cần phải tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc”- Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải cho biết.

Tuy nhiên, hiệu quả từ chỉ thị 13 mới chỉ là bước đầu. Hiện các tập đoàn, tổng công ty đang tiếp tục rà soát, đánh giá khả năng cung ứng và nhu cầu tiêu thụ cụ thể đối với các sản phẩm có tỷ lệ tồn kho cao và tổ chức Lễ ký thỏa thuận ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau. Đại diện một số tập đoàn cho rằng, chủ trương tăng cường tiêu thụ sản phẩm lẫn nhau giữa các doanh nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu là hai kênh rất quan trọng để giảm tồn kho. Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp này, Bộ Công Thương cần tăng cường kiểm soát thị trường tốt hơn nữa cũng như phối hợp với Hải quan để ngăn chặn hiệu quả các sản phẩm hàng hóa nhập khẩu có giá rẻ nhưng chất lượng kém tràn vào thị trường Việt Nam để giúp sản phẩm Việt Nam có chất lượng cao, cạnh tranh và tiêu thụ tốt.