Tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp

ANTD.VN - Có lẽ chưa khi nào tội phạm công nghệ cao lại len lỏi vào cuộc sống của người dân phức tạp như hiện nay. Thời gian qua, không ít các vụ lừa đảo giả danh cán bộ cơ quan nhà nước để chiếm đoạt tài sản của người dân đã xảy ra trên địa bàn thành phố, trong đó, một số vụ đã may mắn được lực lượng chức năng phát hiện và ngăn chặn kịp thời.


Người phụ nữ gần 70 tuổi này đã bị một đối tượng mạo danh “công an” gọi điện để đe dọa, uy hiếp tinh thần, nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Với thủ đoạn thông báo nạn nhân đang liên quan đến một vụ án không có thật, thiếu chút nữa, các đối tượng đã lừa đảo được của bị hại khoảng 800 triệu đồng. May mắn, khi nạn nhân ra đến ngân hàng để chuyển tiền thì đã được nhân viên ngân hàng phát hiện phối hợp cùng lực lượng công an ngăn cản kịp thời.

Trong thời gian qua, với thủ đoạn mạo danh cơ quan chức năng như “công an, tòa án, viện kiểm sát”, các đối tượng lừa đảo đã đe dọa, tung thông tin rằng bị hại đang liên quan đến một vụ án không có thật, sau khi nạn nhân rơi vào tình trạng hoang mang, chúng sẽ tiếp tục khủng bố tinh thần, yêu cầu chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản. Trước thực trạng này, công an quận Hai Bà Trưng đã tăng cường các biện pháp tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là với người trên 50 tuổi, đây chính là các “nạn nhân” mà các đối tượng lừa đảo hướng tới để thực hiện hành vi phạm tội.

Trước đó, ngày 31-3, một người phụ nữ hơn 60 tuổi, trú tại huyện Ba Vì nhận được điện thoại từ một người lạ, tự xưng cán bộ Công an thành phố Hà Nội kiêm Thanh tra Chính phủ. Đối tượng thông báo nạn nhân nằm trong một đường dây buôn bán ma túy và đã chuyển cho bà số tiền 6 tỷ đồng. Biết nạn nhân đang gửi ngân hàng số tiền 1,1 tỷ đồng. Đối tượng lập tức yêu cầu chuyển toàn bộ số tiền trên vào tài khoản ngân hàng của “cơ quan Công an” để điều tra, làm rõ, nếu không sẽ bị bắt giam vi dính líu tới đường dây ma túy đang bị điều tra. Do quá lo sợ, nạn nhân đã giấu người thân đến ngân hàng Agribank để giao dịch chuyển số tiền 1,1 tỷ đồng cho đối tượng lừa đảo. Tuy nhiên, khi đến rút tiền, thấy người phụ nữ này có biểu hiện khác thường nên nhân viên ngân hàng đã kịp thời ngăn chặn giao dịch trên và báo cho Công an huyện Ba Vì đến điều tra.

Đây chỉ là một trong số hơn chục vụ lừa đảo được Công an huyện Ba Vì ngăn chặn thành công, giúp người dân thoát “bẫy” lừa của tội phạm. Theo công an huyện Ba Vì, thực tế thủ đoạn lừa đảo của tội phạm trong các vụ việc xảy ra trên địa bàn huyện không mới, song người dân lại rất dễ mắc lừa.

Cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần cẩn trọng, cập nhật thông tin tuyên truyền về thủ đoạn của các loại tội phạm từ các phương tiện báo chí, hoặc các kênh thông tin của lực lượng Công an. Bên cạnh đó, tuyệt đối không cung cấp các tài khoản ngân hàng, mã OTP hay truy cập các đường link lạ, tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo. Nếu phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ hoạt động tội phạm, người dân cần trình báo ngay đến cơ quan Công an gần nhất để có biện pháp ngăn chặn.