Tội ác mang gương mặt đàn bà

(ANTĐ) - Tuy số lượng không lớn trong tổng số bị cáo, nhưng hình ảnh những bị cáo nữ đứng trước vành móng ngựa luôn gây cho người khác cảm giác vừa thương, vừa giận. Tạo hóa đã ban tặng những người phụ nữ chức năng làm vợ, làm mẹ với những phẩm chất đặc biệt nên phải có một hoàn cảnh hy hữu lắm, họ mới bị đẩy vào bước đường cùng...

Tội ác mang gương mặt đàn bà

(ANTĐ) - Tuy số lượng không lớn trong tổng số bị cáo, nhưng hình ảnh những bị cáo nữ đứng trước vành móng ngựa luôn gây cho người khác cảm giác vừa thương, vừa giận. Tạo hóa đã ban tặng những người phụ nữ chức năng làm vợ, làm mẹ với những phẩm chất đặc biệt nên phải có một hoàn cảnh hy hữu lắm, họ mới bị đẩy vào bước đường cùng...

Yêu quá, mất khôn

Chiều tối 25-9-2007, Triệu Phạm Hoài My (SN 1987), trú tại số 142, đường Tam Thanh, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn về Hà Nội rồi đến nhà trọ tại tổ 57, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy thăm người yêu là Lê Minh Hiền (SN 1987), trú tại khối 1, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn. Hiền đang làm thủ tục vào học tại trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội. Hai người quen biết và yêu thương nhau từ những ngày học THPT ở Lạng Sơn.

Trong suy nghĩ của mình, My luôn coi Hiền là tất cả, nên khi biết tin bạn trai về Hà Nội nhập học, cô rất mừng và sẵn sàng chờ đợi một thời gian nữa, khi nào Hiền tốt nghiệp lúc đó sẽ chính thức báo với gia đình làm lễ cưới. Thế nhưng, cô gái trẻ chưa va vấp cuộc đời đã sớm thất vọng về mối tình đầu của mình...

Qua trò chuyện, My thấy Hiền có những biểu hiện khác thường, lạnh nhạt, không muốn có cử chỉ thân mật dù lúc đó chỉ có hai người. Với một cô gái mới lớn, yêu ai thì dồn hết tình cảm cho người mình yêu nên thấy Hiền có biểu hiện khác thường như vậy, My nghĩ ngay đến việc bị Hiền phản bội. Nghĩ sao nói vậy, My căn vặn Hiền bằng những câu hỏi đầy bực dọc dẫn đến việc hai người cãi nhau.

Ăn tối xong, Hiền cùng Lý Văn Quyết hiện là sinh viên trường Đại học Thương mại ở lại phòng trọ học bài, còn Hoàng Đức Tuân (SN 1987), cũng trú tại Cao Lộc, Đồng Đăng, là sinh viên Đại học Ngoại ngữ, bạn cùng trọ với Hiền đi sang quán nước tại số 31, tổ 57, phường Dịch Vọng ở sát bên cạnh của chị Kiều Thị Thủy để uống nước.

My cũng ra quán nước ngồi tâm sự với Tuân về gia đình và mối quan hệ rạn nứt giữa My và Hiền. Nghe xong chuyện, Tuân quay lại nhà trọ nói lại cho Hiền biết. Lợi dụng chị Thủy ra ngoài, My đã lấy trộm chiếc kéo lưỡi sắt, cán nhựa của chị Thủy giấu vào người rồi về phòng trọ của Hiền để dưới gầm giường.

Các phạm nhân nữ lao động cải tạo tại Trại giam Hoàng Tiến
Các phạm nhân nữ lao động cải tạo tại Trại giam Hoàng Tiến

Đến 23h cùng ngày, trước khi đi ngủ, Hiền bảo My sang ngủ nhờ ở phòng trọ cách đó một phòng của chị Lê Hải Yến nhưng My không đồng ý mà muốn ngủ tại phòng trọ của Hiền. Biết My không vui, đang có những biểu hiện chán nản nên những người bạn trong phòng trọ đành để My nằm dưới đất, còn họ nằm trên giường.

Khoảng 5h30 ngày 26-9-2007, My thức dậy và lấy chiếc kéo giấu dưới gậm giường đâm một nhát vào bụng Hiền. Tiếp đó, My đâm liên tục vào cổ, trán và cẳng tay Hiền. Vì bị đâm lúc đang ngủ nên Hiền không kịp phản ứng gì mà chỉ kêu “A” rồi ôm bụng lịm đi. Tuân nằm cạnh đó bật dậy tóm tay My kéo sang phòng của Yến nhốt lại. Sau đó, mọi người đưa Hiền vào Bệnh viện 19-8 cấp cứu.

Do vết thương quá nặng, Hiền đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 6h20 ngày 26-9-2007. Cơ quan điều tra cũng đã thực hiện lệnh bắt My, khám nghiệm hiện trường, thu giữ chiếc kéo có dính máu là hung khí mà My đã dùng để giết Hiền. Với tội giết người, Triệu Phạm Hoài My bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 16 năm tù khi vừa bước sang tuổi 20.

Những con số đau lòng

Theo thống kê của ngành tòa án Hà Nội, trong năm 2007 đã xử 565 bị cáo nữ trên tổng số 6.141 bị cáo. Còn năm 2008, con số đó là 595/6.242, nghĩa là xấp xỉ  8-10%. Những tội danh mà các bị cáo nữ thường bị xét xử là: Trộm cắp, môi giới mại dâm, chứa mại dâm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tham ô, cố ý làm trái, mua bán trái phép chất ma túy.

Cá biệt có 4 bị cáo bị xét xử về tội giết người (hầu hết là giết chồng, người tình) với mức án phải chịu là 12-20 năm tù. Một số bị cáo nữ mua bán trái phép ma túy với số lượng lớn phải lĩnh án tử hình. Mới đây, tòa còn xét xử một số bị cáo nữ tuổi đời còn trẻ nhưng đã cầm đầu những băng cướp tài sản và gây ra hơn 10 vụ trên địa bàn thành phố...

Nhận xét về những bị cáo nữ phải trả giá trước vành móng ngựa, có thẩm phán nhận xét: Chung quy lại, nguyên nhân đẩy những người đàn bà này vào vòng lao lý đều xuất phát từ hai chữ: Tham và Ghen. “Tham” ở đây được hiểu là tham lam về vật chất, không phải tốn công nhọc sức gì mà vẫn thu được những khoản lợi nhuận từ những việc làm tội lỗi như: chứa hay môi giới mại dâm, mua bán trái phép ma túy, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm, tham ô tài sản...

Còn “Ghen” là trong những mối quan hệ cụ thể, nhất là với chồng, người tình, họ không thể chấp nhận được sự phản bội từ phía người kia (theo cách hiểu của họ) và trong cơn giận dữ, không thể kiểm soát bản thân, họ đã thực hiện những hành vi có tính chất bạo lực nhằm xâm phạm sức khỏe, tính mạng của nạn nhân. Những bị cáo này thường bị truy tố về tội giết người, cố ý gây thương tích hay gây rối trật tự công cộng.

Không như những bị cáo nam, các bị cáo nữ đa số thành khẩn nhận tội. Họ quá hiểu cái giá phải trả từ những hành vi phạm tội của mình nên sự ăn năn, hối cải là một tình tiết quan trọng để được hưởng lượng khoan hồng.

Thực tiễn xét xử cho thấy, rất ít bị cáo nữ ngoan cố và khi được nói lời sau cùng trước lúc Hội đồng xét xử vào nghị án, hầu như họ khóc khi nhắc đến gia đình, người thân và mong Hội đồng xét xử cân nhắc cho hưởng mức án thấp nhất.

Những người đàn bà đứng trước vành móng ngựa, đó là nỗi đau cho những gia đình có người thân bị rơi vào hoàn cảnh đó. Nếu họ có một gia đình êm ấm, vợ chồng, con cái quan tâm, yêu thương nhau, nếu họ có một cuộc sống ổn định, không ham hố, đố kỵ thì chắc chắn sẽ không phải nhận những bi kịch đau lòng ấy. Mà điều này phụ thuộc vào nhiều người, khi họ cùng có ước mơ và quyết tâm vun đắp những tổ ấm bền vững.

Bên cạnh đó, công tác giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật giữ một vị trí hết sức quan trọng. Khi ý thức pháp luật được nâng cao, không chỉ phụ nữ mà mọi người đều phải hiểu rằng những gì được làm, không được làm, cái giá của tự do để họ không bước qua những barie đó.

Đấy cũng là biện pháp quan trọng nhất để hạn chế tội phạm nói chung, tội phạm nữ nói riêng, góp phần làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội và tạo ra những “tế bào” cần thiết để xây dựng một xã hội công bằng, văn minh.

Hiền Phương