Tò he thời hội nhập

(ANTĐ) - Để duy trì nghề làm đồ chơi truyền thống, người dân thôn Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) thực hiện đa dạng hóa các sản phẩm, tạo đủ lực để cạnh tranh với đồ chơi nhập ngoại.

Tò he thời hội nhập

(ANTĐ) - Để duy trì nghề làm đồ chơi truyền thống, người dân thôn Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) thực hiện đa dạng hóa các sản phẩm, tạo đủ lực để cạnh tranh với đồ chơi nhập ngoại.

Sản phẩm phong phú

Trước kia, nghề làm tò he có tên gọi là nghề “làm chim cò” vì khi ấy, sản phẩm nặn từ bột gạo này chủ yếu là những loài chim. Nhưng ngày nay, nghệ nhân làm tò he có thể nặn hình dáng của bất cứ con vật, đồ dùng, sản phẩm gì mà khách hàng yêu cầu. Dịp lễ, Tết hay Trung thu, các em nhỏ thường được cha mẹ cho đi chơi ở công viên, vườn hoa... Những con vật sinh động, đáng yêu với màu sắc phong phú luôn thu hút sự chú ý của các em.

Chị Nguyễn Thanh Loan (phố Vũ Ngọc Phan - Hà Nội) chia sẻ: “Ngày nghỉ, tôi đưa con đi chơi Công viên Thủ Lệ, cháu Thảo đòi mẹ mua tò he nàng Bạch Tuyết mà cháu đã xem trong phim hoạt hình. Cháu có nhiều đồ chơi rồi, nhưng cháu thích thì tôi mua, giá cả tò he không quá đắt”. Nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận, đội 12, thôn Xuân La, xã Phượng Dực giới thiệu: “Chúng tôi có thể nặn bất cứ hình thù con vật nào mà khách hàng yêu cầu như: đại bàng, nhân vật phim hoạt hình, thiên nga, con cừu... Có những sản phẩm mà tôi chưa từng nhìn thấy thì tôi đề nghị khách hàng miêu tả lại, tôi sẽ tưởng tượng và nặn. Lần đầu có thể không giống, nhưng đến lần thứ 2 thì có thể giống tới hơn 80%”.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận nặn tò he cho khách hàng người Mỹ.

Nghệ nhân nặn tò he giờ đã có mặt ở khắp các địa phương trong cả nước: Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hòa Bình và các tỉnh phía Nam. Họ bôn ba khắp nơi với mong muốn đem những sản phẩm dân gian, bằng nguyên liệu nông nghiệp dễ kiếm đặc trưng của Việt Nam để làm vui lòng các em nhỏ. Một chiếc hộp giống như hộp đựng đồ trang điểm của phụ nữ, bên trong là một con dao nhỏ, 1 chiếc lược, 1 cục sáp ong và một bó que tre, nghệ nhân nặn tò he rong ruổi trên chiếc xe đạp đi khắp nơi, cứ chỗ nào đông người là có mặt.

Ngày trước, nghệ nhân nặn tò he phải chuẩn bị bột, nặn con vật từ nhà rồi cho vào thúng gánh đi bán nhưng ngày nay, kỹ thuật làm tò he giản đơn hơn trước. Bột gạo có thể mua ở bất cứ đâu và nghiền nhỏ, nặn như bánh trôi rồi luộc chín. Sau đó là việc trộn bột chín với phẩm màu. Trên cơ sở của 5 màu cơ bản: đỏ, xanh, vàng, trắng, tím, nghệ nhân sẽ pha được thêm nhiều màu sắc khác sao cho phù hợp với màu sắc của nhân vật mà khách hàng yêu cầu.

Cạnh tranh với đồ chơi nhập ngoại

Nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận cho biết: “Đồ chơi nhựa của nước ngoài ào ạt đổ vào Việt Nam với mặt hàng phong phú, độ bền cao được trẻ em ưa chuộng. Tuy nhiên, đến một khu vui chơi giải trí vào ngày nghỉ, chúng ta sẽ thấy, đồ chơi truyền thống như tò he vẫn tồn tại song song và thu hút trẻ em không kém gì đồ chơi nhập ngoại.

 Ưu điểm của tò he không chỉ ở màu sắc bắt mắt, mà còn ở sự cảm nhận khi cầm sản phẩm thơm dẻo trên tay. Khách hàng còn được tận mắt chứng kiến nghệ nhân làm đồ chơi cho mình trong chưa đầy 10 phút nên họ tò mò và hứng thú”. Không chỉ các em nhỏ thích chơi tò he mà ngay cả thanh niên nam nữ cũng có nhu cầu tặng nhau bông hoa hồng hay hình trái tim đỏ thắm được nặn từ bột gạo nếp để bày tỏ tình cảm.

Ngày đông khách, nghệ nhân nặn tò he có thu nhập hơn 200.000 đồng. Ngày vắng khách, họ cũng được gần trăm nghìn. Những chuyến đi làm xa nhà dài 2-3 tháng, họ lại đem về cho gia đình cả chục triệu đồng. Điều đó chứng tỏ, nghề nặn tò he vẫn được duy trì và là nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ gia đình ở Xuân La. Theo ông Nguyễn Văn Thuận thì tò he chỉ thua đồ chơi nhập ngoại ở độ bền của sản phẩm còn không hề kém về mẫu mã, sản phẩm cũng như màu sắc. Hơn thế nữa, trẻ em có thể ăn đồ chơi nếu có yêu cầu với nghệ nhân (Hiện nay, một số nghệ nhân làm tò he có sử dụng xà phòng thơm trong quá trình nặn để bột đỡ dính tay, do đó nếu em nhỏ ăn sản phẩm sẽ nguy hiểm).

Trải qua bao thăng trầm, nghề nặn tò he vẫn tồn tại và phát triển rộng rãi. Mặc dù số người duy trì làm nghề đã giảm rất nhiều so với trước vì rất nhiều thanh niên của làng đi làm trong các công ty, xí nghiệp nhưng những gia đình có ý thức giữ nghề vẫn truyền lại cho con cháu. Gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận có 3 đời hiện đang làm nghề, trong đó có cả con gái đã xây dựng gia đình ở địa phương khác. Lập luận của người còn giữ nghề là dù có “buôn bán trăm nghề thì cũng không bằng có tý nghề ở tay”. Vì buôn bán thì có trúng, có lỗ nhưng làm nghề mà nguyên liệu sẵn có này thì không bao giờ phải lo lắng.

Hơn nữa, đây là một trong số ít các làng nghề không bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong quá trình sản xuất. Và cũng vì vậy mà nghề làm tò he sẽ tồn tại, không ngại cạnh tranh với đồ chơi nhập ngoại, để trẻ em luôn được tung tăng con tò he trên tay mỗi dịp Trung thu đến.

Thanh Hoàn