Tình tiết khó hiểu trong vụ bắt giữ máy bay chở tiền, vàng giả và súng đạn ở Zambia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khi chính quyền Zambia khám xét một chiếc máy bay tư nhân đến từ Ai Cập hồi trung tuần tháng 8-2023, họ đã tìm thấy một khối tài sản bí ẩn bao gồm hàng triệu USD tiền mặt, hàng trăm thỏi vàng cùng vũ khí. Không có ai thừa nhận việc thuê máy bay hoặc sở hữu số tài sản trên. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra, đây có phải chuyến bay đầu tiên hay chuyến thứ n? Liệu nó liên quan gì đến những nhân vật cấp cao để có thể “qua mặt” cơ quan an ninh nhiều nước như vậy?

Những chi tiết kỳ lạ

Tờ New York Times đưa tin, máy bay bị tịch thu là chiếc Bombardier Global Express có thể chở tới 16 hành khách, mang theo gần 5,7 triệu USD, 602 thỏi vàng giả nặng 102kg, 5 khẩu súng lục và 126 viên đạn. Các quan chức Zambia cũng thu giữ chiếc máy bay chở khách thứ hai nhỏ hơn chiếc nói trên và do cùng một hãng sở hữu. Zambia đã ngay lập tức mở cuộc điều tra về vụ việc. Phân tích trong phòng thí nghiệm cho thấy, các thỏi vàng thực chất không phải vàng mà chủ yếu là đồng và kẽm.

Điều đó làm giới truyền thông dấy lên đồn đoán, một số nghi phạm có thể đã tìm cách lừa đảo người mua vàng trong một vụ lừa đảo vàng thỏi giả. Ông Nason Banda - Tổng Giám đốc Ủy ban Phòng chống ma túy Zambia phát biểu trong một cuộc họp báo vài ngày sau cuộc đột kích hôm 14-8: “Đây rõ ràng là một vụ lừa đảo liên quan đến vàng”. Được biết, an ninh hàng không đã được thông báo trước về số hàng hóa đáng ngờ trên máy bay.

Tổng cộng 11 người, trong đó có 6 công dân Ai Cập đã bị bắt và vụ việc này đã thu hút sự chú ý của dư luận ở cả 2 nước. Một công dân Hà Lan và một công dân Tây Ban Nha cũng bị bắt giữ trong cuộc đột kích. Ở Zambia, vụ bê bối này đã trở thành phép thử cho quyết tâm của chính quyền đương nhiệm trong việc trấn áp tham nhũng và sự miễn trừ của giới tinh hoa chính trị. Nhà chức trách Zambia là những người đầu tiên công bố thông tin về những chiếc máy bay bị tịch thu và đưa ra lời đảm bảo trước công chúng rằng sẽ điều tra kỹ những đối tượng liên quan.

Diễn biến mới nhất được hãng tin Reuters đăng tải, 3 tuần sau vụ bắt giữ chiếc máy bay đáng ngờ nói trên (tức ngày 1-9-2023), tòa án Zambia đã trả tự do cho 5 người Ai Cập và 1 người Zambia sau khi các công tố viên bãi bỏ cáo buộc gián điệp đối với họ. Ngoài ra, 5 công dân Zambia khác không được trả tự do và vẫn sẽ phải đối mặt với phiên xét xử tại Tòa án Tối cao với tội danh xâm nhập khu vực cấm của sân bay.

Ở Ai Cập, mặc dù các phương tiện truyền thông nhà nước hầu như không đề cập đến vụ việc, nhưng các nhà báo độc lập vẫn tìm ra danh tính của những người Ai Cập bị giam giữ trên máy bay. Trong số các đối tượng bị bắt có cả cựu quan chức quân đội và cơ quan an ninh nước này. Trong những thông tin ít ỏi, hãng Thông tấn nhà nước Ai Cập dẫn lời một nguồn tin giấu tên nói rằng, chiếc máy bay đã đi qua sân bay quốc tế Cairo, nơi nó đã “vượt qua mọi cuộc kiểm tra an toàn và an ninh”.

Điểm đến đáng ngờ

Câu chuyện cho đến nay đã trở thành đề tài lan truyền rộng rãi nhất trên mạng xã hội Ai Cập. Nghi ngờ dấy lên khi các bức ảnh trên mạng xã hội cho thấy Bộ trưởng Nội vụ Ai Cập Mahmoud Tawfik đứng trước chiếc máy bay đó trong chuyến thăm Tunisia.

Bản thân chiếc máy bay này là Global Express T7-WSS dù chính quyền Zambia thông tin đó là chiếc T7-WW. Chiếc máy bay thuộc sở hữu của Flying Group Middle East có trụ sở tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất - UAE). Đây là công ty con của công ty cùng tên có trụ sở tại Antwerp (Bỉ), chuyên cung cấp dịch vụ thuê máy bay.

Điều kỳ lạ ở chỗ, chiếc máy bay dường như bay tự do qua nhiều địa điểm. Theo dữ liệu nguồn mở và trình theo dõi chuyến bay trực tuyến, chiếc máy bay dường như đã thực hiện 361 chuyến đi khứ hồi trong 2 năm, thường là từ Cairo tới nhiều điểm đến khác nhau. Nó thậm chí còn thực hiện các chuyến bay đến Tripoli và Benghazi - 2 thành phố ở hai bên trong cuộc xung đột ở Libya - chỉ cách nhau vài ngày. Trong một dịp khác, nó cất cánh từ Cairo và dừng lại ở Tel Aviv, Doha, Qatar trước khi quay trở lại Thủ đô Ai Cập. Máy bay dừng vào ngày 14-8-2023 tại sân bay quốc tế Kenneth Kaunda ở Lusaka (Zambia). Trước đó nó bay từ Amman (Jordan) và dừng qua đêm ở Cairo (Ai Cập).

Hãng tin Al Jazeera phân tích, xét về mối tương quan giữa các điểm đến nói trên, Zambia và Ai Cập có mối quan hệ song phương khá chặt chẽ. Vào tháng 6-2023, Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi đã đến thăm Zambia để tăng cường thương mại khu vực giữa miền Bắc và miền Nam châu Phi. Trong khi đó, Ai Cập và UAE nhất là đồng minh lâu dài kể từ khi UAE ủng hộ việc lật đổ Tổng thống Mohammed Morsi vào năm 2013. Theo Al-Araby, tình báo UAE đóng vai trò quan trọng trong việc lật đổ Morsi, điều này giúp xây dựng các mối liên hệ giữa Tổng thống đương nhiệm Abdel Fattah el-Sisi và UAE.

Những mối quan hệ bền chặt này sẽ dẫn đến sự hợp tác chặt chẽ trong cuộc nội chiến ở Libya. The Guardian đưa tin, 2 nước đã tham gia vào các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng dân quân Libya vào năm 2014, vì họ đều ủng hộ Quân đội quốc gia Libya của Nguyên soái Khalifa Haftar chống lại chính phủ được quốc tế công nhận. Sự hợp tác này dựa trên mong muốn của cả 2 nước nhằm không muốn giảm sút ảnh hưởng ở quốc gia có vị trí địa chính trị quan trọng ở Bắc Phi như Libya.

Chưa rõ tại sao chiếc máy bay lại chở hơn 100kg vàng giả cùng súng đạn và tiền mặt lớn như vậy

Chưa rõ tại sao chiếc máy bay lại chở hơn 100kg vàng giả cùng súng đạn và tiền mặt lớn như vậy

Chưa có lời giải đáp

Một chi tiết bí ẩn đã được Makebi Zulu - luật sư người Zambia đại diện cho một trong số nghi phạm tiết lộ. Theo luật sư này, ban đầu cảnh sát cho biết họ đã tìm thấy 11 triệu USD tiền mặt. Nhưng sau đó, số tiền đã bị hạ xuống còn khoảng 7 triệu USD trước khi dừng ở con số cuối cùng là 5,7 triệu USD. Lời giải thích khả dĩ là, gần một nửa số tiền đã được đưa ra khỏi máy bay trước khi lực lượng an ninh có mặt.

Nếu đúng như vậy thì có nghĩa là những người liên quan sẽ phải tuồn ra khỏi sân bay số tiền hơn 5 triệu USD - hơi khó để thực hiện một cách kín đáo. Hãng tin BBC dẫn lời luật sư Zulu cho biết, trong khi nhóm người Zambia và người nước ngoài khác bị đưa vào tù để chờ ngày hầu tòa, thì 6 người Ai Cập được đưa vào một nhà khách, thậm chí không trình diện ở phiên đầu tiên vì lý do “bị ốm”. Liệu có bàn tay can thiệp nào từ Cairo khiến nhà chức trách Zambia đối xử phân biệt như vậy?

Khi sự quan tâm đến vụ án trên khắp thế giới ngày càng tăng, thì sự suy đoán cũng tăng theo. Một tổ chức tư vấn có tên là Egypt Technocrats (gồm các chuyên gia Ai Cập độc lập sống trên khắp thế giới) tuyên bố, có hơn 300 công ty bí mật bên trong Ai Cập tham gia vào các hoạt động rửa tiền.

Dư luận Ai Cập suy đoán, đó là một phần trong hoạt động của các băng nhóm quốc tế nhằm chuyển số tiền lớn từ trong nước ra nước ngoài, đặc biệt là vùng Vịnh. Dòng tiền chảy ra khỏi Ai Cập ngày càng trở thành mối lo ngại khi nhiều cá nhân giàu có tìm cách chuyển tiền ra khỏi đất nước và giấu chính quyền về tài sản mà họ sở hữu. Không ai có thể chắc chắn bao nhiêu điều trong số các giả thuyết trên là sự thật. Hy vọng khi phiên tòa cuối cùng diễn ra, những câu hỏi sẽ được giải đáp.