Tình báo phương Tây công khai một cách bất thường về xung đột ở Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự vào Ukraine vào cuối tháng 2, các cơ quan tình báo ở Mỹ và Anh sẵn sàng công khai các đánh giá tình báo bí mật của họ về những gì đang xảy ra trên thực địa, kể cả bên trong Điện Kremlin. Đây là điều mới mẻ chưa từng có, giới quan sát nhận định.
Tình báo phương Tây áp dụng chiến lược mới liên quan đến xung đột Nga - Ukraine

Tình báo phương Tây áp dụng chiến lược mới liên quan đến xung đột Nga - Ukraine

Chiến dịch phối hợp xuyên Đại Tây Dương

Tuần trước, Mỹ đã giải mật các phát hiện tình báo khẳng định Tổng thống Nga Vladimir Putin đang bị thông tin sai về hoạt động kém hiệu quả của quân đội ở Ukraine do các cố vấn sợ nói sự thật với ông. Hôm 30-5, một chỉ huy tình báo của Anh cho biết quân đội Nga đang mất tinh thần, từ chối thực hiện mệnh lệnh và phá hoại thiết bị của chính họ.

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ và Anh công khai tin tức tình báo mật liên quan đến tình hình Nga - Ukraine trong thời gian gần đây. Chiến dịch phối hợp xuyên Đại Tây Dương này được thực hiện trong nhiều tháng. Các quan chức chính quyền Mỹ cho biết, họ quyết định tích cực chia sẻ thông tin tình báo và phối hợp thông tin với các đồng minh quan trọng, bao gồm cả Anh, sau khi cảm thấy lo ngại về việc chuyển quân của Nga vào mùa thu năm 2021. Vào đầu tháng 11-2021, Tổng thống Joe Biden đã cử Giám đốc Cục Tình báo Trung ương CIA William Burns đến Matxcơva để cảnh báo rằng Mỹ đã biết rõ về các hoạt động chuyển quân của Nga. Nhà Trắng thường kín tiếng về các chuyến công du của người đứng đầu cơ quan tình báo, nhưng Washington đã tính toán rằng trong tình huống này, họ cần quảng bá về chuyến thăm càng rầm rộ càng tốt. Ngay sau khi chuyến thăm kết thúc, Đại sứ quán Mỹ tại Matxcơva thông báo rằng lãnh đạo CIA đã gặp các quan chức hàng đầu của Điện Kremlin.

Thời gian đó, phía Mỹ cũng đã chia sẻ thông tin tình báo nhạy cảm với các thành viên khác của liên minh Five Eyes - Anh, Canada, Australia và New Zealand - và cả với Ukraine. Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Avril Haines đã được cử đến Brussels để thông báo cho các thành viên NATO về thông tin tình báo cơ bản khiến Mỹ ngày càng lo ngại rằng Nga dường như có ý định điều quân vượt biên giới. Tuy nhiên, một số đồng minh và nhà phân tích tỏ ra nghi ngờ bởi trong quá khứ, Mỹ từng đem quân vào Iraq năm 2003 với cáo buộc sai lầm rằng Tổng thống Saddam Hussein có vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nhưng rồi, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine khởi động hôm 24-2 khiến phần lớn những người nghi ngờ về thông tin tình báo của Mỹ - Anh im lặng và thu hút được phản ứng thống nhất từ NATO. Các quan chức và nhà phân tích nói rằng việc tiết lộ thông tin tình báo của Mỹ và Anh được thiết kế một phần để củng cố sự thống nhất của phương Tây.

Kiểu chiến tranh mới của tình báo phương Tây

Ông Jeremy Fleming, người đứng đầu cơ quan tình báo điện tử của Anh GCHQ phát biểu công khai rằng “tốc độ và quy mô” mà thông tin tình báo bí mật được tiết lộ “thực sự là chưa từng có”. Còn Mark Galeotti, một chuyên gia về Nga tại Đại học College London đồng ý rằng, chiến dịch tình báo công khai “phản ánh thực tế rằng chúng ta hiện đang sống trong một thời đại khác, về mặt chính trị và quốc tế. Và đây là một kiểu chiến tranh khác”.

Giới phân tích nhận định, luồng thông tin tình báo được tiết lộ thông qua các cuộc họp giao ban thường xuyên cho các nhà báo ở Washington và London và các cập nhật hàng ngày trên Twitter từ Bộ Quốc phòng Anh có một số mục đích. Một phần là để cho nhà lãnh đạo Nga biết ông đang bị theo dõi, một phần là nhằm khuyến khích quân đội Nga nói sự thật với ông Putin.

Trong khi đó, khó có thể đo lường tác động bên trong nước Nga. Quan chức Mỹ nói với phóng viên hãng AP rằng, Nhà Trắng hy vọng việc tiết lộ thông tin tình báo có thể giúp thúc đẩy nhà lãnh đạo Nga xem xét lại các lựa chọn của mình ở Ukraine. Chuyên gia Mark Galeotti nhận định, các cơ quan tình báo phương Tây có thể không biết nỗ lực của họ sẽ có tác động như thế nào đối với ông Putin nhưng không có hại gì khi thử điều đó. “Bởi vì khi đề cập đến điều đó, nếu chỉ một dòng, hoặc một khái niệm cụ thể tình cờ đọng lại trong bộ não của nhà lãnh đạo Nga thì điều đó đủ tạo ra kết quả có ý nghĩa”.