Tình bạn cảm động

ANTĐ - Làng văn ở nước ta ngày một đông đảo. Chuyện làng văn Việt Nam cũng nhiều như nấm, nở như hoa. Già, trẻ, nam, nữ ít nhất mỗi người cũng có một vài tình huống sống để người khác nhớ. Có chuyện nếu là ở người bình thường nào khác sẽ chẳng ai nhớ làm gì. Nhưng là nhà văn, thì được nhớ. Ví như chuyện yêu đương, một thói quen, cá tính mà từ lâu thiên hạ gọi là lập dị, khác người. Chuyện hay, chuyện dở, chuyện buồn cười đủ cả. Chuyện kết bạn của các nhà văn cũng thế, nhưng ít ai nói tới ngay cả trong làng văn với nhau. Trên đời này ngẫm ra: Sống cho mình đã khó, sống cho người khác càng khó hơn.

Chân dung nhà văn Nguyên Hồng, Kim Lân thời trẻ

Chuyện cụ Kim Lân và cụ Nguyên Hồng thuở còn trẻ san sẻ cho nhau nắm gạo chống đói cho vợ con, lúc về già bạn mất rồi cụ Kim Lân vẫn nhớ ngày giỗ bạn, từ Hạ Hồi lên tận Cầu Đen - Bắc Giang viếng bạn cũng không nhiều người biết. Vò võ một mình, ấy là cái tạng, cái cung cách của một bút một thân hoặc một máy vi tính lúc “nhả ngọc phun châu” của nhà văn, nhà thơ.

Tôi biết và nhớ đã từ lâu ở Hà Nội có: Ba ông Bầu, Bão, Khánh

Là ba ông bạn văn chưa bao giờ tuyên bố là thân nhau. Cả ba đều nghèo, đều thành danh từ tuổi 20, sống và làm việc ở ba nơi khác nhau. Cùng dính “nạn văn chương” tai bay vạ gió riêng ông Lê Bầu thêm vạ miệng. Tôi lần lượt quen biết ba ông kể từ những năm 60 của thế kỷ trước. Chưa lần nào tôi gặp ba ông cùng một nơi, ở một chỗ. Ông nào cũng hơn tuổi tôi từ 2-4 tuổi. Ba ông ấy khi gặp nhau toàn xưng hô “mày, tao” một cách thân thiết. Quen nhau đã lâu tôi phát hiện một nhận xét nho nhỏ ở ba người: Đến nhà ông này mà thấy vắng, không gặp thì tới nhà một trong hai ông kia hỏi, sẽ biết được ông này đi đâu.

Ba ông ba tạng. Ông Vũ Bão dính “vạ văn” sớm nhất từ một cuốn truyện vừa. Ở nơi đông đảo, chỗ nào có nhóm người chốc chốc lại ào lên cười, đích thị có ông Bão ngồi đấy. Ông Xuân Khánh thì sau ông Bão mấy năm, nhưng lại những hai quyển cách nhau khoảng mươi năm, tại nơi hội họp ông đến, ông về không ai biết. Ông Lê Bầu không có cuốn nào, ông ngồi với ai, ở chỗ nào, chỉ nghe thấy tiếng ông. Họ hiểu nhau tận chân tơ kẽ tóc. Cùng nghèo, chẳng có tiền để giúp nhau. Ánh mắt bờ vai của người này là niềm vui, điểm tựa cho người kia “an nhiên tự tại”, việc ai người ấy làm.

Khi cuốn “Hồ Quý Ly” của ông Khánh xuất hiện, ai ngạc nhiên thì ngạc nhiên, chứ ông Bão, ông Bầu đã biết từ lâu rồi. Buồn sao, tới đận “khổ tận cam lai” đời sống khấm khá rồi thì ông Bão đùng đùng ra đi, đặt tay lên bụng ở đất Quảng Ninh rồi mới về Hà Nội. Nghe tin ông Bầu buông một câu ngắn: “Huyết áp rồi!”. Ông Bão vui tính nhưng cả nghĩ đã một phen “cao áp” để lại bên chân trái hơi tập tễnh. Ông Bầu năm rồi, mới còn cười đấy, đã ra đi rồi. Không ai biết khi còn đủ bộ ba, các ông hay gặp nhau ở đâu. Tôi chỉ mấy lần thấy ông Khánh và một trong hai ông kia ở một nơi nào đấy mà thèm, mà tự thẹn mình không được tới như ba ông. Bây giờ, ba chàng “ngự lâm pháo thủ” của ông Dumas (Pháp) còn lại tác giả cuốn “Mẫu thượng ngàn” vẫn đang viết ở tuổi 80 và ngẫm ngợi.

Hội uống bia

Hội này được nhen nhóm từ mấy năm đầu thập kỷ 1980 khi nhà thơ Vân Long về làm việc ở Báo Độc Lập và trú ở phố Bà Triệu bên số chẵn gần nhà thơ Ngô Quân Miện (54 Bà Triệu). Thành viên gồm một số nhà văn, nhà thơ, một họa sĩ đều không phải là “đệ tử lưu linh”, chỉ có 2 vị hút thuốc lá đến tuổi 70 thì bỏ. Tôi có tham dự một số buổi gặp nhau, sau thì ngừng vì bận trông nom hai đứa cháu. Người có sáng kiến lập hội tôi ngờ là nhà thơ Vân Long. Ông tính tình trẻ trung, nhanh nhẹn, hơn người cùng tuổi. Số là ở góc đường Lý Thường Kiệt - Bà Triệu, ở bên số lẻ gần ngã tư dạo ấy (những năm 1980) có một cửa hàng bia, ngồi ra cả vỉa hè cũng gần nhà của hai nhà thơ Ngô Quân Miện và Vân Long.

Thỉnh thoảng đến nơi này, dạo ấy còn có nhà thơ Trần Lê Văn, sau thêm nhà văn Băng Sơn, họa sĩ Phan Kế An, nhà thơ Thanh Hào… thường hay gặp nhau ở đây. Bia là bia hơi, lạc luộc. Chỉ mỗi người một cốc. Sau, dần dần chuyển lui xuống hai quán bia số nhà lớn hơn cũng ở Lý Thường Kiệt rồi dừng lại và giải tán ở quán bia nhìn chếch sang trái bên kia đường là chợ Âm Phủ. Khi đã nghỉ hưu, gần như ngày nào các vị cũng gặp nhau vào quãng 10h sáng hoặc lúc tối. Tuổi cao dần, chỉ còn lại buổi sáng. Gặp nhau trước hết là để nhìn thấy nhau còn đi từ nhà đến chốn này được. Chuyện là hỏi thăm nhau, chia sẻ chuyện vui, buồn. Ai vắng mặt thì phân công nhau thăm hỏi. Chuyện ngẫu hứng không bàn tán đến người khác, không bình luận chính sự, không cả chuyện văn chương, vẽ vời. Nói vắn là không làm cho người ta phát buồn phiền, tuổi già được quãng thời gian nhẹ mình. Cứ thế trong hàng chục năm.

Hội bắt đầu thưa thưa kể từ ngày nhà văn Trần Lê Văn tạ thế. Rồi đến nhà thơ Ngô Quân Miện, nhà văn Băng Sơn và mới rồi là nhà thơ Thanh Hào. Mỗi lần có “hội viên” của Hội uống bia ra đi, nhà thơ Vân Long lại có bài viết tiễn biệt. Lẳng lặng đã hơn chục năm nay. Chẳng mấy ai biết. Khéo và thanh tao, đầm ấm làm sao một tình bạn vào lúc tuổi già mượn cốc bia không phải là “bia bọt” mà là hợp tuổi hợp cả túi tiền cùng là hợp cảnh, hợp người kém gì “tao nhân mặc khách” của các cụ ngày xưa…