Tiểu thuyết “Tiếng núi”, tác phẩm đỉnh cao văn học Nhật Bản xuất bản tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tiểu thuyết “Tiếng núi” - một trong những tác phẩm đỉnh cao của nền văn học Nhật Bản sau thế chiến thứ 2 vừa được Nhã Nam ấn hành tại Việt Nam với bản tiếng Việt.

Tác giả Kawabata Yasunari khởi thảo cuốn sách vào năm 1949, tức là bốn năm sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc với sự thảm bại của Nhật Bản, để lại cho người Nhật nỗi ê chề cay đắng cùng sự sụp đổ của nhiều giá trị. Chiến tranh không được đề cập trực tiếp trong “Tiếng núi”, nhưng những dấu vết của nó, cái bóng nó hắt xuống đời sống thời bình thì chẳng thể rõ hơn.

Chiến tranh chạm đến Shingo cận kề nhất là qua anh con trai Shuichi. Tác giả không kể nhiều về quá khứ của nhân vật này, chỉ biết anh đã từng đi lính. Những chấn thương tinh thần của nhân vật này được hé lộ rải rác và rất khéo trong sách. Chiến tranh vừa khiến Shuichi thực tế hơn, vừa khiến anh trở nên nghiệt ngã, theo một lối mà con người thuộc thế hệ cũ như Shingo, với ký ức về vinh quang từ cuộc chiến Nga Nhật, thì không thể hiểu được.

Sự tự hủy hoại của Shuichi, và của người con rể Aihara, chính là phản chiếu trung thực những tổn thương trong tâm hồn của người Nhật sau Thế chiến thứ hai. Shuichi bảo cha mình: “Biết đâu đã có một cuộc chiến mới đang đeo bám chúng ta trong hiện tại, và biết đâu cuộc chiến cũ trong chúng ta vẫn đang đeo bám chúng ta như những hồn ma.”

Ông lão Shingo còn có một cuộc chiến khác đã đeo đẳng từ thủa thanh niên: tình yêu với người chị dâu xinh đẹp nhưng đoản mệnh. Người chị dâu phảng phất trong cuốn sách như một hồn ma, một điểm mốc trong quá khứ là nguyên nhân cho mọi hành động trong đời Shingo, và bởi vậy cũng là nguyên nhân cho khúc mắc của ông trong hiện tại. Ta không hề biết tên của người chị dâu, cũng như tên người anh, chỉ biết họ thuộc một thế giới tót vời, không thể chạm đến.

Đặc trưng trong sáng tác của tác giả Kawabata Yasunari nằm ở những mỹ cảm đậm đà văn hóa Nhật Bản. Có thể nói nét đẹp của văn hoá Nhật đã thấm đượm trong từng câu chữ trong tiểu thuyết của Kawabata, đem đến cho người đọc những xúc cảm đẹp đẽ và tinh tế nhất.

Không nằm ngoài nét đặc trưng ấy, tiểu thuyết “Tiếng núi” cũng mang vẻ đẹp tĩnh tại bên ngoài, ẩn chứa những cảm xúc hiện sinh cuộn trào bên trong của nền văn học Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai.

Xoay quanh những ẩn ức của một người đàn ông tới tuổi xế chiều về sự sống - cái chết, những nuối tiếc muộn màng trước cuộc đời đang dần rơi rụng, Kawabata đã dùng những mỹ cảm tinh tế để vẽ nên một bức tranh gia đình đậm chất Nhật. Cuốn sách nhanh chóng nhận được nhiều giải thưởng quan trọng, trong đó phải kể đến Giải thưởng văn học Noma vào năm 1954, Giải thưởng Sách Mỹ hạng mục Văn học dịch năm 1970.

Kawabata Yasunari (1899 - 1972) một trong những tác gia lớn nhất của văn học Nhật Bản thế kỷ XX. Nhận giải Nobel Văn học năm 1968. Ông là nhà văn Nhật Bản đầu tiên và là người châu Á thứ ba nhận được giải thưởng cao quý này.