Tiêu thụ thủy, hải sản bị đứt gãy ở khu vực phía Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đã có 120/449 nhà máy chế biến dừng hoạt động. Các nhà máy đang sản xuất thì công suất chỉ khoảng 30-40% do thiếu nhân lực.

Tại Hội nghị trực tuyến về sản xuất, tiêu thụ thủy sản những tháng cuối năm 2021 và bàn giải pháp để chủ động sản xuất thủy sản diễn ra sáng nay 4/9, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đã có 120/449 nhà máy chế biến dừng hoạt động.

Các nhà máy đang sản xuất thì công suất chỉ khoảng 30-40% do thiếu nhân lực. Việc thực hiện sản xuất “3 tại chỗ - 3T” đẩy chi phí sản xuất của nhà máy tăng, nguy cơ bị chậm và bị phạt đơn hàng rất lớn.

Tại các vùng nguyên liệu, các doanh nghiệp rất khó kêu gọi thương lái, nhà máy thu mua thủy sản, thiếu lái xe, phương tiện vận chuyển thu mua tôm nguyên liệu... làm giá mua giảm mạnh.

Cùng với đó, việc cung ứng vật tư đầu vào (con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản) không đáp ứng kịp thời, phát sinh tăng chi phí do trung chuyển và test Covid-19.

120/449 nhà máy chế biến thủy hải sản đóng cửa, tiêu thụ thủy hải sản khai thác đang đứt gãy

120/449 nhà máy chế biến thủy hải sản đóng cửa, tiêu thụ thủy hải sản khai thác đang đứt gãy

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, cùng với việc xuất hiện các ca F0, F1 khiến 25 cảng cá đã dừng hoạt động trong tháng 8.

Đến ngày 1/9, có 8 cảng được hoạt động trở lại nhưng vẫn còn 17 cảng đang tạm dừng hoạt động. Số lượt tàu vào cảng để bốc dỡ thuỷ sản tại các cảng giảm 59.670 lượt tàu tương đương 334.000 tấn sản phẩm.

"Việc bốc dỡ, mua bán, đặc biệt là khâu vận chuyển thủy sản với các tỉnh khác gặp khó khăn, dẫn đến tiêu thụ thủy sản khai thác chậm, đứt gẫy. Giá sản phẩm thủy sản giảm 15-20% so cùng kỳ. Cùng với đó, các dịch vụ cung ứng hậu cần nghề cá (bao gồm sửa chữa tàu, máy móc, cung cấp dầu, nước đá, thực phẩm) gặp nhiều khó khăn, không kịp thời và đáp ứng đầy đủ" - ông Trần Đình Luân nhấn mạnh.

Cũng theo ông Luân, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến căng thẳng tại các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam bộ, ngành thủy sản vẫn đặt mục tiêu đạt sản lượng 8,6 triệu tấn thủy sản trong năm 2021. Trong đó, trong 4 tới đạt sản lượng 2,9 triệu tấn.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, chiếm 35,1% trong tổng giá trị của ngành nông nghiệp, thủy sản có vai trò rất quan trọng. Nếu như không chuẩn bị tốt vật tư đầu vào như: con giống, nguồn lao động, hỗ trợ tín dụng thì sẽ không đảm bảo điều kiện sản xuất vụ mới do dịch Covid 19 dự báo còn kéo dài.

Để đạt mục tiêu, kế hoạch đã đề ra, Bộ NN&PTNT kêu gọi các thương lái, nhà máy chế biến thủy sản chung tay ủng hộ, tiếp tục thu mua sản phẩm thủy sản cho người dân trong giai đoạn hiện nay, không được nhân cơ hội ép giá gây thiệt hại cho người nuôi.

Huy động các kho dịch vụ để chứa thủy sản nguyên liệu; tham gia hỗ trợ cùng nhà máy chế biến thu mua thủy sản nguyên liệu cho người nuôi. Tiếp tục tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho thương lái tổ chức thu hoạch thủy sản, thu mua, vận chuyển, cung ứng vật tư đầu vào nhằm tạo điều kiện cho người dân bán sản phẩm và tiếp tục tái sản xuất. Các nhà sản xuất, cung cấp con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản hỗ trợ người nuôi, không được nhân cơ hội này để nâng giá sản phẩm.

Bên cạnh đó, cần động viên người dân tiếp tục duy trì sản xuất tránh xảy ra tình trạng thiếu thủy sản nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu vào các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Đặc biệt, cần ưu tiên tiêm vaccine phòng dịch cho các lao động tham gia vào hoạt động sản xuất, thu mua, chế biến, vận chuyển… thủy sản, kể cả các lao động trên tàu cá và tại cảng.