Tiết lộ của cựu đặc nhiệm Mỹ chuyên huấn luyện cá heo “sát thủ”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Chương trình huấn luyện cá heo cho mục đích quân sự của Hải quân Mỹ ẩn chứa những bí mật mà không phải ai cũng biết.
Hải quân Mỹ từng triển khai cá heo và sư tử biển được huấn luyện tới một số điểm nóng trên thế giới

Hải quân Mỹ từng triển khai cá heo và sư tử biển được huấn luyện tới một số điểm nóng trên thế giới

Vào đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, Hải quân Mỹ đã mở chương trình huấn luyện cá heo và sư tử biển để bảo vệ các tàu chiến quý giá của mình. Chương trình động vật có vú trên biển bắt đầu từ những năm 1960, mục tiêu là bảo vệ các cảng và các tàu quan trọng neo đậu ở đó, đặc biệt là các tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân, cả hai đều là chìa khóa để triển khai và răn đe sức mạnh của Mỹ.

Chương trình đã thử nghiệm một số loài động vật nhưng nhận thấy cá heo và sư tử biển là phù hợp nhất cho nhiệm vụ. Khả năng định vị âm thanh dưới nước cho phép chúng phát hiện những thứ mà các thiết bị phát hiện sóng âm điện tử có thể bỏ sót, như mìn hay thiết bị thất lạc của đối thủ. Đặc biệt, sư tử biển có thính giác nhạy cảm và thị lực nhạy bén cho phép chúng theo dõi vùng nước tối tăm nhất để phát hiện các mối đe dọa như thợ lặn của kẻ thù.

Để theo dõi cá heo dưới nước, người điều khiển sẽ gắn một thiết bị trên vây ngực của cá heo để hiển thị vị trí của chúng. Nếu cá heo phát hiện ra thứ gì đó, nó sẽ tấn công hoặc nổi lên mặt nước để cảnh báo những người điều khiển, vốn đang ở trên các vùng nước xung quanh. Hải quân Mỹ đã không ít lần triển khai cá heo của mình tại các khu vực chiến tranh hay điểm nóng để phát hiện thủy lôi và những kẻ xâm nhập.

Quân đội Mỹ không phải là lực lượng duy nhất sử dụng cá heo và sư tử biển để bảo vệ tàu chiến và cảng của họ. Quân đội Liên Xô và người kế nhiệm Nga cũng sử dụng động vật có vú để đảm bảo an ninh hàng hải. Để tìm cách đánh bại cá heo và sư tử biển của Liên Xô cũng như để đảm bảo các loài động vật có vú của mình hoạt động hiệu quả, Hải quân Mỹ đã nhờ đến một lực lượng tinh nhuệ: Đặc nhiệm SEAL Hải quân. Là lực lượng hoạt động đặc nhiệm trên biển hàng đầu của quân đội Mỹ, Hải quân SEAL dành nhiều thời gian ở dưới nước. Những người nhái ưu tú của Bộ Tư lệnh Chiến tranh Đặc biệt Hải quân Mỹ thành thạo trong việc xâm nhập đường hàng hải và một loạt các nhiệm vụ đặc biệt. Đặc nhiệm SEAL được cho là đảm nhiệm việc tấn công các tàu chiến có giá trị cao nhất trong khi động vật có vú và người điều khiển chúng sẽ đóng vai trò phòng thủ và cố gắng bắt giữ, tiêu diệt kẻ địch.

Theo Stavros Atlamazoglou, một nhà báo quốc phòng, đang học thạc sĩ về chiến lược và an ninh mạng tại trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp của Johns Hopkins Mỹ, một số cựu sĩ quan SEAL đã chia sẻ những điều ít biết trong quá trình tiếp xúc với những “người lính” đặc biệt này. Cụ thể, trong quá trình huấn luyện, “những động vật có vú đó rất thật và rất đáng sợ”, cựu sĩ quan SEAL của Hải quân Mỹ cho biết. Ở một kỳ kiểm tra nổi tiếng khắc nghiệt, ứng viên tham gia lực lượng đặc nhiệm sẽ phải bơi ngoài trời dài đến 5 dặm với cá heo ở Thái Bình Dương. Họ cũng từng nghe kể về những câu chuyện kinh dị xung quanh cá heo “sát thủ” và sư tử biển khổng lồ trốn thoát khỏi chuồng của Hải quân và bơi xung quanh tìm kiếm con mồi tiếp theo.

Mặc dù vậy, cựu người nhái SEAL nói rằng, thật khó để xác định tính hiệu quả của cá heo và sư tử biển với tư cách là tài sản quân sự trong điều kiện chiến đấu thực. Các công nghệ tiếp tục phát triển và đối thủ có thể có cách “ngăn chặn hoặc vô hiệu hóa” các loài động vật biển thông minh này. Nếu chiến tranh xảy ra, hải quân Mỹ cũng có thể chạm trán với các động vật có vú được quân sự hóa của đối thủ. Khi đó, lực lượng SEAL của Hải quân Mỹ mới có cơ hội thử thách các kỹ năng của họ trong thực tế.