Tiết kiệm hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ quy định mới về quản lý an toàn thực phẩm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trung bình mỗi doanh nghiệp thực phẩm tiết kiệm được 602,5 triệu đồng/năm ở một thủ tục nhờ quy định mới về quản lý an toàn thực phẩm.
Quản lý về an toàn thực phẩm ngày càng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Quản lý về an toàn thực phẩm ngày càng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Ngày 22-3, CIEM tổ chức hội thảo “5 năm triển khai Nghị định số 15/2018/NĐ-CP về an toàn thực phẩm: Kết quả, vấn đề và kiến nghị”.

TS Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, đổi mới cách thức quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp và đối với sản phẩm, hàng hoá là trọng tâm ưu tiên cải cách của Chính phủ. Trong lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm, trước năm 2018 được thực hiện theo Luật An toàn thực phẩm (2010) và Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định của Nghị định số 38 gây nhiều vướng mắc, bất cập, làm tăng chi phí, thời gian và giảm cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Nghị định số 38 tập trung quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm là tiền kiểm, nhưng quản lý hậu kiểm lại để bỏ ngỏ.

Để giải quyết bất cập này, các Bộ, ngành đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm thay thế Nghị định số 38.

Nghị định số 15 được đánh giá là cải cách thể chế đột phá, thể hiện thay đổi căn bản trong tư duy về quản lý nhà nước, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày ban hành

Khảo sát của CIEM cho thấy, Nghị định số 15 áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và mức độ rủi ro của hàng hoá; bổ sung các đối tượng được miễn kiểm tra; cải cách toàn diện quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu; phân cấp, khắc phục tình trạng quản lý chồng chéo, tầng nấc, trùng lặp; tạo sự linh hoạt, chủ động cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm…

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh, sửa đổi của Nghị định số 15 so với Nghị định số 38 trước đây là phù hợp với thông lệ quốc tế; vừa tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, giảm áp lực cho cơ quan hải quan, vừa tạo áp lực nâng cao năng lực quản lý và chất lượng quản trị của cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm.

Do đó, góp phần tiết giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, với quy định cho phép tự công bố sản phẩm, trung bình trong mẫu doanh nghiệp được CIEM khảo sát, mỗi doanh nghiệp tiết kiệm được 602,5 triệu đồng/năm.

Với 12.000 doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm (đang hoạt động đến ngày 31-12-2021) thì quy định cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí rất lớn. Đó là chưa tính tới các doanh nghiệp thương mại, nhập khẩu sản phẩm thực phẩm.

Còn khi được hỏi về “hiệu quả của việc bãi bỏ thời hạn của Bản tự công bố theo Nghị định 15 so với quy định thời hạn 3 năm của Giấy xác nhận Công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm trước đây?”, các doanh nghiệp phản hồi trung bình tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp hơn 310 triệu đồng/năm.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, Nghị định 15 tiết kiệm tới 8,5 triệu ngày công và 3332,5 tỷ đồng/năm. Thực tiễn cũng cho thấy, trong 5 năm triển khai Nghị định 15, ngành thực phẩm đã có sự tăng trưởng cao, ngay cả trong đại dịch.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, hoạt động hậu kiểm được tăng cường và thực hiện thường xuyên hơn. Cơ quan hải quan được giảm tải áp lực thông quan; thời gian giải phóng hàng nhanh, đáp ứng yêu cầu thông quan theo các cam kết quốc tế.

Ông Đậu Anh Tuấn- Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, VCCI cho rằng, tuy có nhiều nội dung cải cách tích cực, song Nghị định số 15/2018/NĐ-CP vẫn còn một số điểm cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện như: quy định chưa rõ ràng, cụ thể trong cách thức xác định tỷ lệ lô hàng nhập khẩu trong trường hợp áp dụng phương thức kiểm tra giảm; thực thi thiếu nhất quán đối với trường hợp sản phẩm là mẫu thử nghiệm.

Đặc biệt, ở một số cơ quan địa phương vẫn có hiện tượng cán bộ yêu cầu doanh nghiệp bổ sung giấy tờ nhiều lần; thậm chí có những yêu cầu nằm ngoài quy định. Nghị định còn thiếu các quy định về đăng ký các thực phẩm nhập khẩu có chứa phụ gia mới…

Những bất cập này cần được sửa đổi, bổ sung để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.