Tiền ngân hàng vẫn khó ra, động lực tăng trưởng trông chờ ở đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ, tìm nhiều cách đưa tiền ra, nhưng tiền vẫn khó ra. Trong bối cảnh đó, động lực tăng trưởng năm 2025 sẽ “nằm trong tay Chính phủ”, bao gồm chi tiêu ngân sách và đầu tư công.

Cung tiền sẽ tăng

Chia sẻ tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” diễn ra sáng 8/11, ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương đánh giá chính sách tiền tệ Việt Nam năm 2025 sẽ phụ thuộc nhiều vào nhiều yếu tố, trong đó có ảnh hưởng từ quốc tế với xu hướng tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương

Ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương

Theo ông Nguyễn Tú Anh, Fed sẽ phải tiếp tục cắt giảm lãi suất, thậm chí mức giảm còn nhiều hơn bởi khối nợ khổng lồ của Mỹ đang lên tới 35.700 tỷ USD. Tiền lãi năm 2024 là 892 tỷ USD, chiếm 3,1% GDP của Mỹ; trong khi chi đầu tư của Mỹ cho y tế, giáo dục và kết cấu hạ tầng chỉ chiếm 2,4% GDP. Tức là phần tiền lãi đang càng ngày càng lớn.

Điểm thứ hai là trước đây nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ nợ của Mỹ đang xu hướng giảm dần, điều này có nghĩa khả năng Mỹ in tiền và ảnh hưởng đến cả thế giới vì lạm phát của USD sẽ càng ít đi.

Như vậy, chính sách tài khoá của Mỹ đã đến giới hạn, muốn tăng trưởng sẽ phải tập trung vào chính sách tiền tệ, dẫn đến phải hạ lãi suất.

Yếu tố quốc tế thứ hai tác động đến chính sách tiền tệ của Việt Nam là Trung Quốc khi nước này đang đẩy đầu tư ra nhiều hơn, kích cầu trong nước.

Từ tất cả những điều trên, vị chuyên gia đánh giá dòng đầu tư nước ngoài trong năm 2025 có thể sẽ tăng mạnh, làm cho dòng tiền vào tốt hơn, kéo theo cung tiền ra tốt hơn.

Cùng với đó, cán cân thanh toán năm 2025 sẽ dương. Đồng thời, vốn đầu tư công sẽ được đẩy mạnh rất quyết liệt. Bên cạnh đó, là việc tái cấu trúc những ngân hàng yếu kém. Đây là ba kênh sẽ bơm tiền ra nền kinh tế trong năm 2025 với mục tiêu quan trọng là đẩy mạnh tăng trưởng.

Động lực tăng trưởng đến từ đầu tư công

Về động lực tăng trưởng 2025, theo ông Tú Anh sẽ được dẫn dắt từ cầu đầu tư, trong đó đầu tư Nhà nước là một phần. Cùng với sự phục hồi, kỳ vọng của nền kinh tế đầu tư tư nhân có thể sẽ tăng lên.

Ông Tú Anh cho rằng, năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đang tìm mọi cách để đưa tiền ra, nhưng tiền vẫn khó ra. Trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng 8,8%, không thấp so với cùng kỳ những năm trước nhưng cung tiền M2 tăng thấp.

Cung tiền M2 tăng thấp dẫn lãi suất không giảm được, tỷ lệ tăng huy động vốn tức tốc độ tăng huy động trên hệ thống ngân hàng chỉ 5,8% làm chi phí huy động vốn của ngành ngân hàng tăng lên.

“Do đó, một trong những đột phá tôi hy vọng trong 2025, tiền của đầu tư công sẽ có những quyết sách làm mới, đẩy tiền Nhà nước ra được nhanh, giảm bớt tiền ở Kho bạc Nhà nước. Khi tiền ra thị trường nhiều thì thị trường 1 huy động dễ dàng hơn, giảm áp lực cho ngân hàng có thể duy trì được lãi suất thấp” – ông Nguyễn Tú Anh nói.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cũng cho rằng đầu tư công là động lực quan trọng của tăng trưởng.

Theo ông Hùng, các động lực tăng trưởng ở phía cầu bao gồm tiêu dùng, đầu tư, chi tiêu Chính phủ và xuất nhập khẩu .

Trong năm 2024, xuất nhập khẩu và đầu tư là động lực rất tốt cho Việt Nam, đầu tư nước ngoài tiếp tục tích cực, nhưng xuất khẩu tăng trưởng nhanh lại dựa trên nền yếu của năm trước. Sang đến năm 2025, thị trường thế giới hạ nhiệt, triển vọng xuất khẩu năm 2025 sẽ không duy trì được như năm nay.

Nhìn lại động lực trong nước, tiêu dùng còn yếu, chi tiêu Chính phủ, bao gồm đầu tư công thấp hơn kế hoạch. Đây có thể là dư địa để biến thành động lực tăng trưởng mới trong năm 2025.

"Năm nay, đầu tư tư nhân thì lại yếu, thể hiện được tăng trưởng tín dụng khó khăn. Trong bối cảnh cầu nội địa, đầu tư nội địa yếu, cần dựa vào dư địa tăng chi tiêu Chính phủ. Như vậy, động lực tăng trưởng nằm trong tay Chính phủ, bao gồm cả chi tiêu ngân sách và đầu tư công. Đòn bẩy là chi tiêu công, kích cầu nội địa kéo đầu tư nội địa và tiêu dùng tăng lên", ông Nguyễn Bá Hùng phân tích.