Tiền lương phải dựa trên mức sống

ANTĐ - Hôm nay, 26-10, bên lề Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đã trao đổi với báo chí về cải cách tiền lương cho 10 năm tiếp theo.

Tăng lương tối thiểu sẽ góp phần nào ổn định cuộc sống cho người lao động

- Bộ Nội vụ mới khảo sát cho biết 49% công chức hiện nay nhận mức lương không đủ để tái tạo sức lao động, bà nghĩ sao về điều này?

- Khảo sát đó đúng với tình hình thực tế. Cải cách tiền lương cho 10 năm tiếp theo là vấn đề cần được xem xét tổng thể. Tiền lương phải tính theo đúng sức lao động trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Việc sửa đổi Bộ luật Lao động phải cụ thể, rõ ràng hơn trong quy định về tiền lương. Bên cạnh đó, Nhà nước định kỳ công bố tiền lương tối thiểu và xem đây là mức sàn để người lao động, chủ sử dụng lao động căn cứ vào đó để có thể thỏa thuận về tiền lương.

- Nhiều người băn khoăn việc xác định giá trị thực của sức lao động dựa trên cơ sở nào để trả lương công chức?

- Dự thảo Luật Lao động lần này đưa ra quy định là Nhà nước phối hợp với tổ chức đại diện cho người lao động là công đoàn định kỳ hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng hoặc hàng năm để đưa ra các thông tin về tiền lương. Ví dụ vùng Đông Nam bộ hiện nay mức lương cho ngành dệt may ở mức 4-5 triệu đồng/người/tháng là hợp lý thì đó được xem như lương chuẩn để người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận.

- Có nghĩa là dựa trên cơ sở mức sống thực tế để tính lương?

- Đúng như vậy và Nhà nước phải làm việc này. Vì nếu Nhà nước và tổ chức đại diện cho người lao động ở cấp Trung ương không làm được việc này thì rất khó đưa ra mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động giữa bên sử dụng và người lao động.

- Nhưng người sử dụng lao động thường không muốn tăng lương để giảm chi phí?

- Điều này là có thật. Bên nào cũng muốn tăng lợi ích của mình là rất khó, nên phải có vai trò của bên thứ ba đó là Nhà nước và công đoàn để đưa ra các thông tin minh bạch về tiền lương. Thông tin này không mang tính chất áp đặt mà để nghiên cứu, định hướng.

- Trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tăng liên tục như hiện nay, sẽ rất khó đưa ra một con số hợp lý?

- Chỉ số giá tiêu dùng tăng liên tục trong nhiều năm làm cho nền kinh tế của chúng ta không ổn định. Từ năm sau, nếu Chính phủ nỗ lực đưa CPI quay được về mức một con số, tiền lương hoàn toàn có thể tính toán được và có thể đưa ra công bố thông tin được.

- Quy định một mức lương cứng cho từng khu vực liệu có ổn không khi mà trượt giá, lạm phát tăng cao?

- Việc quy định mức lương vùng là hợp lý vì hiện nay từng vùng có mức sống chênh lệch nhau. Trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này cũng có quy định Nhà nước sẽ công bố lương tối thiểu đối với 2-3 vùng. Chia như vậy cũng không nhiều và phù hợp tình hình. Tuy nhiên, tôi kiến nghị nên có lương tối thiểu ngành để áp dụng cho lực lượng lao động vốn yếu thế, đặc biệt ngành sử dụng nhiều lao động nhưng lại có mức thu nhập thấp như da giày, dệt may...

- Có ý kiến là nếu tăng lương quá nhanh sẽ tạo thêm gánh nặng lớn ngân sách?

- Phải ưu tiên ngân sách để giải quyết vấn đề tiền lương cho cán bộ công chức nhằm đảm bảo nhu cầu cuộc sống tối thiểu. Đối với doanh nghiệp cũng vậy, người lao động cũng cần có mức lương tối thiểu cho cuộc sống để tái sản xuất nên người sử dụng lao động phải thấu hiểu điều này.