Tiền của chúng ta, quyền của chúng ta

ANTĐ - Một thực tế đang phải ghi nhận là người tiêu dùng hiện nay đang bị “móc túi” ngày càng tinh vi dưới nhiều hình thức như: bớt xén trong đo lường hàng hóa, bán hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, hàng mất vệ sinh an toàn thực phẩm… Đặc biệt, gần đây tình trạng xe máy, ô tô cháy nổ liên tục xảy ra gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản của người dân, nhưng hầu hết vụ việc cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân, thiệt thòi vẫn thuộc về người tiêu dùng...

Theo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), thị trường trong nước đã xuất hiện thêm nhiều loại hàng giả như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng, vật nuôi, các loại dược phẩm và một số mặt hàng công nghiệp thực phẩm… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực, sức khỏe người dân và môi sinh, môi trường. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng cả nước đã kiểm tra, xử lý 11.400 vụ vi phạm, xử phạt 23 tỷ đồng và thu giữ, tiêu hủy hàng hóa có giá trị hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh hết thực tế vi phạm do tình trạng hàng gian, hàng giả ngày càng tinh vi bằng nhiều thủ đoạn nhằm đối phó, qua mặt cơ quan chức năng.

Câu hỏi đặt ra là người tiêu dùng bảo vệ mình bằng cách nào khi hàng giả ngày càng tinh vi và phổ biến, khi sản xuất hàng giả không chỉ trong nước mà còn nhập từ nước ngoài về và hợp thức hóa thành hàng nội địa bằng hình thức nhập khẩu linh kiện, bán thành phẩm, qua các cơ sở chế tác, gia công, gắn bao bì, nhãn mác mới của các thương hiệu uy tín trong nước. Các hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng vẫn thường xuyên diễn ra ở mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, xâm hại sức khỏe người tiêu dùng, gây thiệt hại vật chất cho người tiêu dùng. Sự gia tăng sai phạm trong cung ứng hàng hóa, dịch vụ thời gian qua cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đang bị xâm phạm quyền lợi với quy mô rộng khắp và tính chất ngày càng phức tạp.

Hàng năm, Tổ chức Người tiêu dùng quốc tế (CI) thường chọn một chủ đề tiêu biểu để tuyên truyền. Chủ đề năm nay là “Tiền của chúng ta, quyền của chúng ta”. Trong thực tế, có một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng bị xâm hại khi mua phải những sản phẩm kém chất lượng, có nguy cơ gây tổn hại đến sức khỏe… song lại ngại khiếu nại hoặc tìm đến các tổ chức xã hội, cơ quan chính quyền trợ giúp, thường chịu thiệt thòi, chưa biết cách bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Cũng còn nhiều doanh nghiệp quá chú trọng vào những lợi ích tài chính mà quên đi việc thỏa mãn những nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng. Có những doanh nghiệp còn gây ra tổn thất cho người tiêu dùng bằng những sản phẩm khiếm khuyết và sự cạnh tranh không lành mạnh.

Bởi thế, người tiêu dùng cần thấy “Tiền của chúng ta, quyền của chúng ta” để nhận thức được quyền và trách nhiệm của mình, trong đó có quyền được lựa chọn hàng hóa, quyền được cung cấp các thông tin trung thực, được đảm bảo an toàn về sức khỏe và môi trường, có quyền đòi bồi thường thiệt hại, người tiêu dùng cần phát huy trách nhiệm tự bảo vệ mình, phát hiện tố cáo các hành vi gian lận về chất lượng sản phẩm cũng như các hành vi gian dối khác. Trước hết, người tiêu dùng hãy thể hiện “quyền” của mình bằng cách tẩy chay ngay lập tức  hàng gian, hàng rởm, hàng kém chất lượng, và hãy gạch tên những nhà sản xuất thiếu trách nhiệm với khách hàng.