Tiền chưa phải đầu tiên

ANTĐ - Chỉ còn dăm ngày nữa là đến 1-6, thời điểm mà doanh nghiệp và người dân sẽ được 5 ngân hàng thương mại “bơm” ra khoảng 70% vốn từ gói 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ vay mua nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội. Tiền đã có trong ngân hàng, song chuyện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này vẫn là nỗi lo luôn ám ảnh không chỉ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, lao động tự do, người kinh doanh cá thể, mà cả với doanh nghiệp.

Bản thân Bộ trưởng Xây dựng đã phát biểu trong một cuộc hội thảo gần đây rằng, việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng như thế nào là vấn đề “kỹ thuật”, còn chính sách thì đã có rồi. Trong quá trình làm nếu thấy không phù hợp, Bộ Xây dựng sẽ có ý kiến. Nếu chính sách không đến với người thu nhập thấp, Bộ sẽ xem xét kiến nghị lại với Ngân hàng Nhà nước. 

Nhiều người dân thấp thỏm hy vọng sẽ vay được tiền từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng vào khoảng 70% (tương đương 21.000 tỷ đồng) dành cho người mua nhà. Điều kiện là họ phải có hợp đồng mua, thuê hoặc thuê mua nhà đã ký với chủ đầu tư kể từ ngày 7-1-2013. Cho đến thời điểm này, một số chi nhánh ngân hàng trong tốp 5 ngân hàng tham gia hỗ trợ vẫn tỏ ra “ngơ ngác” vì còn chờ văn bản hướng dẫn cụ thể từ ngân hàng mẹ về điều kiện, thủ tục vay vốn đối với từng khách hàng thuộc diện “ưu tiên”. Vậy những thủ tục đó là gì?

Khách hàng muốn vay được tiền phải đáp ứng các điều kiện theo quy định hiện hành. Ngân hàng phải thẩm định hồ sơ vay vốn, đánh giá khả năng trả nợ của từng khách hàng. Đó mới chỉ là những thủ tục thông thường. Khách hàng được ưu tiên vay vốn mua nhà ở xã hội phải là người chưa có nhà ở hoặc có nhà nhưng không đủ diện tích tối thiểu theo quy định là dưới 8 mét vuông/người. Thế nhưng, với các đối tượng chưa có nhà ở sẽ khó đáp ứng yêu cầu về tài sản đảm bảo theo quy định. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại xem xét và quyết định cho vay có bảo đảm bằng tải sản hoặc không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định.

Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản cho rằng, ngay cả trường hợp người vay thế chấp bằng chính căn nhà mua thì sẽ vướng mắc về mặt pháp lý. Bởi vì người mua nhà tại các dự án đang xây dựng chỉ có hợp đồng mua bán, tức là chưa đủ điều kiện để thế chấp. Để gỡ vướng mắc này, theo ông Phó Chủ tịch Hiệp hội, ngân hàng có thể nhận thế chấp hợp đồng mua bán nhà và quản lý chặt dòng tiền giải ngân. Song, theo một số chuyên gia ngân hàng, mặc dù người mua có thể dùng chính căn nhà mua để thế chấp ngân hàng thì ngân hàng cũng khó xử lý khoản vay được bảo đảm bằng tài sản này. Vì việc phát mãi tài sản sẽ gặp khó khăn, phức tạp. Trong số nợ xấu mà các ngân hàng đang loay hoay xử lý, đã có nhiều tài sản như vậy. Cái khó nữa là khi người vay không trả nợ, ngân hàng sẽ khó xử lý căn nhà ở xã hội để thu hồi vốn. 

Rõ ràng là tiền không phải yếu tố đầu tiên đối với những đối tượng ưu tiên mua nhà ở xã hội. Có quá nhiều điều kiện, thủ tục rắc rối, phức tạp để họ có thể sở hữu hoặc thuê mua một căn nhà “trong mơ”, chưa kể tới sau 10 năm điều kiện vay vốn và lãi suất sẽ biến động ra sao.