Tiêm kích Rafale Pháp không thể cạnh tranh với Su-30SM Nga tại thị trường Kazakhstan

ANTD.VN - Không quân Kazakhstan đã lựa chọn Su-30SM của Nga và bỏ qua tiêm kích Rafale do Pháp sản xuất.

Vào ngày 30/11, ông Yerzhan Nildibayev, Phó Tư lệnh Phòng không kiêm người đứng đầu bộ phận vũ khí của Kazakhstan cho biết họ đã quyết định mua thêm máy bay chiến đấu Su-30SM do Nga sản xuất và từ chối lời đề nghị từ phía Pháp về tiêm kích Rafale.

Ông Nildibayev tiết lộ rằng Bộ Quốc phòng Kazakhstan có kế hoạch mua thêm 10 chiếc Su-30SM vào năm 2023 - 2024, nêu bật tỷ lệ “chất lượng - giá cả” vượt trội của chiến đấu cơ so với đối thủ Pháp.

Trong vài tháng qua, Tập đoàn Dassault Aviation của Pháp đã tiếp thị máy bay phản lực Rafale cho Kazakhstan và Uzbekistan, cả hai nước này đều vận hành phi đội tiêm kích cũ của Liên Xô.

Những máy bay chiến đấu như MiG-29 của Kazakhstan hay Su-27 của Uzbekistan được dự đoán sẽ sớm ngừng hoạt động và tiêm kích Rafale nổi lên như ứng viên thay thế sáng giá.

Vốn tự hào có lực lượng không quân tiên tiến nhất ở Trung Á, Kazakhstan bắt đầu đưa những chiếc Su-30SM đầu tiên vào sử dụng từ năm 2015. Cho đến nay, nước này đã ký 3 hợp đồng mua sắm riêng biệt, với tổng số 24 máy bay chiến đấu.

Quan điểm về việc mở rộng hơn nữa phi đội Su-30SM của Kazakhstan xuất phát từ lợi ích của việc sử dụng lớp máy bay chiến đấu đã có sẵn trong biên chế.

Điều này tránh được vô số sự phức tạp và chi phí bổ sung liên quan đến việc đưa vào sử dụng một biến thể máy bay mới, chẳng hạn như đào tạo đội ngũ kỹ thuật, yêu cầu về phụ tùng thay thế, nhu cầu cơ sở hạ tầng và khả năng tương thích của vũ khí.

Trong phi đội chiến đấu cơ của Kazakhstan hiện nay, Su-30SM giữ vai trò chủ lực, cùng với 32 tiêm kích đánh chặn MiG-31 phân bổ cho hai phi đội. Những chiếc MiG-31 nổi bật nhờ phạm vi tấn công xa và radar lớn hơn so với Su-30SM.

Việc Kazakhstan lựa chọn Su-30SM thay vì Rafale gợi nhớ đến lựa chọn của Algeria vào giữa những năm 2000, khi Rafale được Pháp chào bán cho Algeria nhưng không thu hút được sự quan tâm đáng kể.

Su-30SM là sản phẩm của Nhà máy Hàng không Irkutsk và là phiên bản phái sinh từ biến thể Su-30MKI, ban đầu được thiết kế để đáp ứng các thông số kỹ thuật của Không quân Ấn Độ.

Những chiếc Su-30SM/MKI/MKA trang bị động cơ điều khiển vectơ lực đẩy AL-31FP và radar mảng pha N011M, mang lại hiệu suất vượt trội trong không chiến khi so sánh với các mẫu Su-30 rẻ hơn do Nhà máy Hàng không Komsomolsk-on-Amur sản xuất.

Bên cạnh đó, những tiêm kích nói trên cũng tích hợp một số công nghệ từ máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không thử nghiệm Su-37 đã ngừng sản xuất từ lâu.

Một lợi thế lớn của Su-30 đối với các quốc gia như Algeria và Kazakhstan là phạm vi hoạt động rộng mà nó mang lại. Rafale mặc dù có tầm bay ấn tượng đối với một chiến đấu cơ hạng trung nhưng vẫn kém khi so sánh với các đối thủ hạng nặng như Su-30 và F-15.

Yêu cầu về phạm vi bao phủ trên không của Kazakhstan tương đương với các khu vực tổng hợp của Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Bỉ, Thụy Sĩ và Hy Lạp, thậm chí còn lớn hơn tới 14%.

Radar lớn và tầm xa vượt trội của Su-30 giúp nó có lợi thế khi mang được nhiều vũ khí tầm xa. Điều này khiến nó trở thành một đối thủ đáng gờm với khả năng nhận biết tình huống được nâng cao đáng kể, do radar có kích thước gần gấp đôi loại RBE2 của Rafale.

Với radar mảng pha N011M Bars hiện đại, biến thể Su-30SM có phạm vi phát hiện tối đa 400 km. Ngược lại, động cơ M88 của Rafale - được coi là yếu nhất trong số các máy bay chiến đấu đang được sản xuất, lại hạn chế tốc độ và độ cao hoạt động của chúng.

Lợi ích chính của Rafale là chi phí vận hành và bảo trì thấp hơn do nó là máy bay chiến đấu hạng nhẹ hơn. Tuy nhiên yếu tố này được bù đắp một phần bởi giá mua Su-30 thấp hơn.

Có những biến thể của Rafale sử dụng cảm biến tiên tiến và tên lửa không đối không tương đương với loại trang bị cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Su-57, nhưng công nghệ này được mong đợi sẽ có trong các gói nâng cấp cho Su-30 trong tương lai.

Ngoài ra một bất lợi đáng kể đối với Rafale là xu hướng các nhà cung cấp vũ khí phương Tây thường áp đặt lệnh cấm vận đối với phụ tùng thay thế, hoặc hạn chế sử dụng ở nước ngoài.

Không chỉ có vậy, vấn đề về khả năng tương thích với thiết bị hiện có theo hệ Nga/Liên Xô cũng như những khó khăn khi vận hành trong mạng lưới phòng không chung với lực lượng Nga đặt ra nhiều thách thức đáng kể cho máy bay chiến đấu của Pháp.

Kazakhstan rõ ràng chưa có tiềm lực kinh tế lớn mạnh như Ấn Độ để duy trì song song hai dòng chiến đấu cơ Su-30MKI và Rafale, bởi vậy việc họ tiếp tục đặt niềm tin vào Su-30SM được xem là rất hợp lý.