Tiêm kích F-15 và F-35 Nhật Bản bắn pháo sáng cảnh báo trinh sát cơ IL-38N Nga

ANTD.VN - Máy bay chiến đấu Nhật Bản lần đầu tiên sử dụng pháo sáng để cảnh báo một máy bay trinh sát săn ngầm IL-38N của Nga, buộc nó rời khỏi không phận.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara cho biết các máy bay chiến đấu F-15 và F-35 đã được điều động và bắn pháo sáng sau khi máy bay trinh sát săn ngầm IL-38N của Nga dường như đã phớt lờ cảnh báo qua vô tuyến của họ hôm 23/9.

Ông cho biết máy bay Nga đã xâm phạm không phận Nhật Bản phía trên đảo Rebun, ngoài khơi hòn đảo chính cực bắc Hokkaido, 3 lần trong chuyến bay kéo dài 5 giờ ở khu vực này.
"Việc xâm phạm không phận là vô cùng đáng tiếc và chúng tôi đã gửi công hàm phản đối rất nghiêm túc tới chính phủ Nga thông qua các kênh ngoại giao và kêu gọi họ ngăn chặn sự việc tái diễn", ông Kihara nói thêm.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã yêu cầu các quan chức chính phủ phản ứng "kiên quyết và bình tĩnh" trước sự cố này.
"Chúng tôi sẽ không cung cấp bất kỳ thông tin xác thực nào về ý định và mục đích của hành động này, nhưng quân đội Nga đã hoạt động trong vùng lân cận đất nước chúng tôi kể từ sau cuộc xung đột Ukraine", Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi tuyên bố.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cho biết việc sử dụng pháo sáng là phản ứng hợp pháp đối với hành vi xâm phạm không phận và "chúng tôi có kế hoạch sử dụng mà không do dự".

Bộ trưởng Kihara cáo buộc đây là lần đầu tiên máy bay Nga xâm phạm không phận Nhật Bản kể từ tháng 6/2019, khi một máy bay ném bom Tu-95 xâm phạm không phận Nhật Bản ở phía nam Okinawa và xung quanh quần đảo Izu phía nam Tokyo.

Ilyushin IL-38 (Tên hiệu của NATO: May) được phát triển từ máy bay vận tải động cơ phản lực cánh quạt Ilyushin Il-18. Đây cũng là loại máy bay tác chiến cuối cùng do Cục thiết kế máy bay Ilyushin của Liên Xô nghiên cứu, phát triển.
Có tổng số khoảng 100 chiếc IL-38 đã được chế tạo. Loại máy bay này cũng được xuất khẩu cho Ấn Độ với số lượng 5 chiếc vào năm 1977. Hiện nay, lực lượng hải quân Nga có khoảng 35 chiếc Ilyushin IL-38 với các biến thể Il-38D và IL-38N.
IL-38N là biến thể nâng cấp sâu rộng của IL-38D với nhiều cải tiến vượt trội. Biến thể này được trang bị hệ thống cảm biến tổng hợp Novella P-38 gồm radar trinh sát, hệ thống ảnh nhiệt độ phân giải cao.
Hệ thống phát hiện từ tính lạ, hệ thống theo dõi quang - điện (bao gồm các kênh lade, TV, hồng ngoại), thiết bị phát hiện lực hút lạ và nhiều trang bị khác. Có thể dễ dàng nhận ra điểm khác giữa IL-38N với thế hệ cũ, chính là đĩa anten đặt ở ngay trên buồng lái máy bay.
Trên đây chứa hệ thống tìm kiếm – theo dõi Novella P-38 được thiết kế để tăng khả năng tác chiến cho máy bay chống mục tiêu trên không, trên mặt biển và dưới mặt biển. Máy bay có 2 khoang vũ khí ở bụng, giúp nó có thể mang theo 9 tấn vũ khí trên khoang và hệ thống giá treo.
Các loại vũ khí bao gồm: tên lửa chống hạm, ngư lôi, bom thông thường, bom khoan tầng nước sâu (có thể mang đầu đạn hạt nhân làm nghèo, cỡ nhỏ) và mồi bẫy điện tử. IL-38N có thể mang theo 216 phao sonar RGB-1 hoặc 144 phao sonar RGB-1 và 10 phao sonar RGB-2 trong nhiệm vụ tác chiến chống ngầm.
Theo đánh giá của các chuyên gia công nghệ, các tham số, tính năng của IL-38N và phiên bản xuất khẩu IL-38 SD đều tương đương với máy bay trinh sát chống ngầm cánh cố định P-3 “Orion” hiện Mỹ và một số đồng minh vẫn đang sử dụng.
IL-38N có khả năng giám sát đồng loạt 30 mục tiêu tàu thuyền trong phạm vi 320 km. Ngoài ra, nó còn được trang bị hệ thống cảm biến nhiệt thế hệ mới nhất và hệ thống máy tính cực mạnh, nâng cao rất nhiều khả năng trinh sát tàu ngầm
IL-38N vẫn giữ nguyên cấu hình động cơ với bốn chiếc AI-20M. Với 4 động cơ này cho phép máy bay đạt tốc độ bay tối đa 645 km/h, tầm bay 7.500 km, trần bay tối đa 11.000 m, thời gian hoạt động liên tục lên tới 13 tiếng.