Tích trữ xăng dầu tại nhà gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù tới 12 năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trước tình trạng nhiều cửa hàng xăng dầu ở phía nam tạm ngừng kinh doanh do khan hiếm hàng, một số người dân đã có tâm lý tàng trữ xăng dầu để sử dụng, thậm chí "mua đi bán lại" hòng kiếm lời. Song theo các chuyên gia pháp lý, hành vi này là phạm pháp.

Xăng dầu là hàng dễ cháy, nổ nếu không có hệ thống lưu cất quy chuẩn. Do đó, việc tích trữ mặt hàng này phải tuyệt đối tuân thủ các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Luật Phòng cháy chữa cháy sửa đổi năm 2013 quy định, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất nguy hiểm về cháy, nổ là hành vi bị nghiêm cấm.

Do vậy, hành vi tích trữ xăng dầu dù nhằm mục đích kinh doanh hay không nhằm mục đích kinh doanh là hành vi trái quy định của pháp luật. Tổ chức cá nhân tích trữ xăng dầu không đảm bảo các điều kiện an toàn gây ra cháy nổ, thiệt hại đến người và tài sản thì tuỳ theo tính chất, mức độ, hậu quả có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại - Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Để bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe, người dân không nên mua và tích trữ xăng dầu tại nhà

Để bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe, người dân không nên mua và tích trữ xăng dầu tại nhà

Về xử phạt hành chính, theo Khoản 4 Điều 32 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng cháy, chữa cháy nêu rõ, phạt tiền từ 15-25 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ trái phép chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ. Đồng thời, cá nhân vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, tổ chức, cá nhân tích trữ xăng dầu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự về Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Điều 313 BLHS 2015 sửa đổi quy định, người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 2-5 năm.

Phạm tội làm chết 2 người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122-200%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1.5 tỷ đồng thì bị phạt tù từ 5-8 năm.

Phạm tội làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.5 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 7-12 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt từ 300 triệu đồng đến 9 tỷ đồng tùy theo mức độ vi phạm và có thể bị áp dụng cấm kinh doanh, cấm hoạt động một số lĩnh vực nhất định, thậm chí là bị phạt tù từ 7-15 năm.

Xăng dầu là loại chất nguy hiểm cháy, nổ cao và có tính chất lý, hóa đặc biệt. Nếu được tích trữ trong các can nhựa hoặc thiết bị chứa không phù hợp, với đặc tính của xăng dầu thì rất dễ dẫn đến hiện tượng bị hư hỏng hoặc do va đập làm vỡ, thủng thiết bị chứa dẫn đến rò rỉ xăng dầu ra ngoài, tạo thành môi trường nguy hiểm cháy, nổ, đặc biệt là trong không gian kín, hẹp.

Thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp cháy, nổ gây chết người do tích trữ xăng dầu trong nhà. Do vậy, để bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe cho gia đình, người dân tuyệt đối không nên tích trữ xăng dầu tại nhà - Luật sư Nguyễn Thị Thu khuyến cáo.