Thuế thu nhập cá nhân tăng mạnh, vượt dự toán cả năm

ANTD.VN - Số thu thuế thu nhập cá nhân 11 tháng đầu năm đã vượt dự toán cả năm khoảng 6,9%, thậm chí cao hơn cả dự toán thu đối với sắc thuế này trong năm 2025 mà Bộ Tài chính dự kiến.

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 11 tháng năm 2024 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt hơn 1,553.504 tỷ đồng, bằng 104,5% dự toán, bằng 116% so với cùng kỳ.

Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 52.483 tỷ đồng, bằng 114,1% dự toán, bằng 91,9% so với cùng kỳ.

Thu nội địa ước đạt 1.501.020 tỷ đồng, bằng 104,2% dự toán, bằng 117,1% so với cùng kỳ. Thu thuế, phí nội địa ước đạt 1.160.169 tỷ đồng, bằng 106,9% dự toán.

Thu ngân sách Nhà nước 11 tháng đã vượt dự toán cả năm

Tổng cục Thuế cho biết, có 17/20 khoản thu, sắc thuế đạt khá so với dự toán (trên 94%). Có thể kể đến một số khoản thu lớn như: Thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh ước đạt 103%; Phí - lệ phí ước đạt 108,6%; Thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước ước đạt 171%; Thu từ hoạt động xổ số ước đạt 108,2%...

Đáng nói, thu nhập của người dân đã có khởi sắc khi thuế thu nhập cá nhân đã vượt dự toán cả năm, ước đạt 106,9%. Theo dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, dự kiến số thu thuế thu nhập cá nhân năm 2024 là 169.506 tỷ đồng. Như vậy, số thuế thu nhập cá nhân tính đến hết 11 tháng có thể đã đạt 18.120 tỷ đồng.

Con số này thậm chí còn cao hơn số thu mà Bộ Tài chính mới đây trình Quốc hội về dự toán ngân sách năm 2025 đối với khoản thu này (180.397 tỷ đồng).

Liên quan đến sắc thuế này, rất nhiều ý kiến cho rằng cần nghiên cứu nâng ngưỡng giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, do mức giảm trừ hiện nay (11 triệu đồng đối với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng đối với người phụ thuộc) đã quá lạc hậu.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, biến động CPI hiện nay chưa đến mức điều chỉnh giảm trừ thuế TNCN theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành.

Đồng thời, mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay đã bằng hơn 2,21 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người, cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các nước đang áp dụng, tương đương thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số giàu nhất.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính thừa nhận, mức giảm trừ gia cảnh hiện hành được áp dụng từ năm 2020 đến nay nên cũng cần thiết phải rà soát, đánh giá lại để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp với các điều kiện mới. Mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, đảm bảo cho phù hợp với sự biến động của giá cả cũng như sự gia tăng mức sống dân cư trong giai đoạn vừa qua cũng như dự báo cho thời gian tới đây, đồng thời không làm giảm vai trò của chính sách thuế TNCN trong hệ thống thuế.

Bộ Tài chính cũng đề xuất có thể cân nhắc nghiên cứu phương án giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh để đảm bảo linh hoạt, chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển KT-XH của đất nước trong từng thời kỳ. Hiện nay, việc điều chỉnh này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Bộ này cũng đề xuất bổ sung phạm vi xác định các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo được giảm trừ (các quỹ xã hội, quỹ từ thiện); nghiên cứu bổ sung các khoản giảm trừ đặc thù khác (chi phí y tế, giáo dục); đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành để phù hợp với thực tiễn phát sinh.

Đồng thời, giảm bậc tính thuế so với biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng hiện nay là 7 bậc.