Thực tập sinh bỏ trốn, doanh nghiệp bị đình chỉ

ANTĐ - Nhằm lành mạnh hóa và đảm bảo giữ thị trường ổn định, nâng cao chất lượng thực tập sinh sang Nhật Bản, Bộ LĐ-TB&XH đã quyết định chấn chỉnh hoạt động đưa lao động Việt Nam đi thực tập tại Nhật Bản.  

Thực tập sinh làm việc tại Nhật Bản. Ảnh: dolab.gov.vn

                                                                              

Minh bạch hóa các khoản phí 

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, hiện nay Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm, đang tiếp nhận nhiều thực tập sinh Việt Nam. Năm 2014, Việt Nam có khoảng 20 nghìn thực tập sinh, tăng gấp đôi so với năm 2013, dự kiến năm 2015 sẽ đưa khoảng 23 nghìn thực tập sinh sang thị trường này. Về cơ bản, thực tập sinh Việt Nam được các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp tiếp nhận của Nhật Bản đánh giá tốt.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, Cục Quản lý lao động ngoài nước được biết, thời gian gần đây công tác đưa thực tập sinh sang Nhật Bản xuất hiện một số hiện tượng gây ảnh hưởng xấu đến việc mở rộng thị trường như: thực tập sinh phải chịu mức phí cao hơn so với quy định; nhiều lao động vi phạm pháp luật Nhật Bản làm ảnh hưởng đến uy tín của thực tập sinh Việt Nam.

Để chấn chỉnh hoạt động đưa thực tập sinh sang Nhật Bản, Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành Công văn số 4732/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 18-11-2015, trong đó đáng chú ý nhất là quy định về minh bạch hóa các chi phí đi thực tập tại Nhật Bản.

Theo đó, các doanh nghiệp phái cử được phép thu từ thực tập sinh các khoản phí dịch vụ. Tuy nhiên, các khoản phí theo quy định này không quá 3.600 USD/người/hợp đồng 3 năm; không quá 1.200 USD/người/hợp đồng 1 năm. Ngoài ra, doanh nghiệp được thu từ người lao động không quá 5,9 triệu đồng/khóa tiếng Nhật tương ứng với thời lượng khoảng 520 tiết học/khóa học. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chỉ được thu các khoản phí theo quy định sau khi thực tập sinh đã được phía Nhật Bản cấp tư cách lưu trú và doanh nghiệp đã ký hợp đồng với thực tập sinh. 

Thắt chặt quy định để giữ thị trường 

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, để xảy ra một số hiện tượng tiêu cực như trên có nhiều nguyên nhân từ phía doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp không có đội ngũ cán bộ đủ năng lực, không nắm vững các quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật Nhật Bản và phương thức tổ chức đưa thực tập sinh sang Nhật Bản. Bên cạnh đó, chất lượng tuyển sinh của một số doanh nghiệp chưa tốt, không kiểm soát được chất lượng lao động và việc thu tiền của người lao động; không quản lý tốt thực tập sinh tại Nhật Bản, không theo dõi để phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh với thực tập sinh.

Do đó, để có thể đưa thực tập sinh sang Nhật Bản, doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện: Không bị xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong vòng 1 năm tính đến thời điểm đề nghị đưa thực tập sinh sang Nhật Bản; Doanh nghiệp không có vụ việc phát sinh liên quan tới người lao động mà không được giải quyết dứt điểm, để khiếu kiện kéo dài ảnh hưởng xấu trong dư luận.

Cùng với đó, doanh nghiệp phải có bộ máy, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động đưa thực tập sinh sang Nhật Bản đáp ứng yêu cầu; có thỏa thuận hợp tác (hợp đồng) về phái cử và tiếp nhận thực tập sinh với tổ chức tiếp nhận hợp pháp của Nhật Bản. Doanh nghiệp chỉ được phép tuyển chọn và đào tạo thực tập sinh sau khi đã đăng ký thực hiện hợp đồng và được Cục Quản lý lao động ngoài nước cho phép thực hiện. Số lượng tuyển chọn không vượt quá số lượng đăng ký.

Đối với các doanh nghiệp không quản lý được thực tập sinh tại Nhật Bản, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tạm đình chỉ hoạt động đưa thực tập sinh sang Nhật Bản trong trường hợp tỷ lệ thực tập sinh bỏ hợp đồng trên tổng số thực tập sinh đang thực tập cao hơn 5%. Thời hạn đình chỉ là 90 ngày để doanh nghiệp kịp thời chấn chỉnh. Sau thời hạn đó, nếu doanh nghiệp không giảm được tỉ lệ thực tập sinh bỏ hợp đồng, sẽ không được tiếp tục đưa thực tập sinh sang Nhật Bản.