Thực phẩm sạch vẫn khó tiêu thụ

ANTĐ - Tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng những tưởng sẽ tạo cơ hội tốt cho thực phẩm sạch đến với người dân, nhưng trên thực tế, sức tiêu thụ các sản phẩm này lại rất chậm.

Thực phẩm sạch chưa đến được với đông đảo người tiêu dùng

Gà đồi Yên Thế ế ẩm

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, sau một thời gian tiêu thụ mạnh, đến nay, một số siêu thị trên địa bàn này đã ngừng nhập mặt hàng này. Điển hình là Big C Thăng Long và công ty TNHH Phát triển Thành Đồng II. Trên thị trường Hà Nội, sức tiêu thụ gà đồi Yên Thế giảm mạnh. Ví dụ, công ty Cổ phần Intimex Việt Nam chỉ tiêu thụ được 600 con/tháng với giá bán khá rẻ, 127.500 đồng/kg. Tại sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội, chỉ thỉnh thoảng có điểm đặt hàng với số lượng nhỏ. Nguyên nhân ế ẩm là do giá bán cao hơn gà ta nuôi ở Ba Vì và Kim Bôi. Tương tự, hệ thống siêu thị Fivimart tiêu thụ khoảng 1.100 kg/ngày; Công ty cổ phần sản xuất và thương mại An Việt bán được từ 100-150 kg/ngày. Được đánh giá là tiêu thụ tốt so với các điểm khác, hệ thống bán lẻ của Hapro tiêu thụ khoảng 150 con/ngày. So sánh với nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô, đây rõ ràng là con số rất ít ỏi. 

Trong khi đó, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong khâu vận chuyển do thời tiết nắng nóng, gà dễ chết, từ đó ảnh hưởng tới giá cả, số lượng, chất lượng sản phẩm bày bán. Ngoài ra, vì giờ nhập hàng thường vào các buổi chiều nên doanh nghiệp khó xin được giấy chứng nhận kiểm dịch. 

Hà Nội đã liên kết với các địa phương trong cung cầu hàng hóa nên những khó khăn nêu trên cản trở việc kinh doanh của doanh nghiệp cũng như không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân. Sở Công Thương đề xuất thành phố hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, kiểm tra lưu thông gà đồi Yên Thế từ Bắc Giang về Hà Nội, đồng thời, kiến nghị cấp trên có biện pháp hữu hiệu xử lý tình trạng gà nhập lậu. 

Rau an toàn khó bán 

Đây không phải lần đầu tiên những khó khăn trong tiêu thụ rau an toàn được đề cập tới. Đã có nhiều giải pháp đưa ra giúp cải thiện tiêu thụ mặt hàng này nhưng trên thực tế tình hình chưa được cải thiện. Sở Công Thương Hà Nội cho hay, tính đến 25-6-2013, trên toàn thành phố có 82 điểm kinh doanh rau an toàn tại 5 quận. Tuy nhiên, lượng rau tiêu thụ tại các điểm bán rau an toàn vẫn còn hạn chế. Tình hình kinh doanh rau an toàn không hiệu quả do thói quen tiêu dùng của người dân chủ yếu mua rau tại các chợ xanh, chợ cóc, chợ tạm gần nơi sinh sống do thuận tiện, giá rẻ. Chỉ có một bộ phận người dân tìm mua rau tại siêu thị và các cửa hàng có ghi biển hiệu bán rau an toàn. Mặt khác, thực tế cho thấy, đa số người tiêu dùng còn chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng rau an toàn trên thị trường. Theo chị Mai Hương (phố Vũ Thạnh- Đống Đa), người tiêu dùng cũng cần được trang bị thêm kiến thức nhận biết rau an toàn. Đồng thời, doanh nghiệp phải có trách nhiệm đảm bảo chất lượng hàng để gây dựng niềm tin cho người dân.

Mặt khác, do giá thuê mặt bằng cao nên doanh nghiệp khó thu được lợi nhuận. Kinh phí hỗ trợ cho việc này không có. Điều này lý giải vì sao giá rau an toàn cao hơn nhiều so với rau bán tại các chợ, ảnh hưởng tới sức mua. Ngoài ra, điều kiện mặt bằng chật hẹp, khó bố trí các điểm bán rau an toàn vừa đảm bảo kinh doanh hiệu quả, vừa thuận tiện cho giao thông. 

Sở Công Thương cũng cho biết, nguồn rau an toàn cung cấp cho thị trường đến nay cũng không ổn định; chăm sóc rau an toàn kỳ công dẫn đến giá cao, phân phối phập phù ảnh hưởng tới khả năng tiêu thụ. Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, để đẩy mạnh tiêu thụ mặt hàng này, thành phố cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, tăng lợi nhuận, giảm giá thành.