Thực phẩm mỗi nơi một giá

ANTĐ - Thực phẩm tăng giá vùn vụt nhưng thu nhập người lao động giữ nguyên, thậm chí còn giảm sút khiến người tiêu dùng phải cân nhắc kỹ lưỡng khi chọn mua hàng.

Nhiều thứ không dám mua

Thực phẩm tăng giá khiến người tiêu dùng phải cân nhắc khi mua hàng  

(ảnh minh họa)

Chị Nguyễn Thị Huyền (nhân viên văn phòng) buồn phiền: “Tôi thấy buồn khi thu nhập ngày càng trở nên eo hẹp trước diễn biến giá cả thế này. Có những thứ mà từ lâu rồi, tôi không dám mua cho con sử dụng nữa, ví như tôm to loại 3-4 con/lạng giá đã lên tới gần 300.000 đồng/kg”. Cũng theo chị Huyền, tại chợ Cầu Diễn, sườn lợn và nạc vai vẫn giữ giá 120.000 đồng/kg; cua đồng 120.000-130.000 đồng/kg. “Phải mất 50.000 đồng mua một trong những loại thức ăn này mới đủ cho cả nhà dùng một bữa. Lâu nay, thịt gà tăng giá nên tôi chọn mua gà đẻ một lứa với giá 110.000 đồng/kg, giá này phù hợp với túi tiền” - chị Huyền nói.

Tại chợ Thành Công, các loại hàng thực phẩm tươi sống luôn có mức giá “nhỉnh hơn” so với chợ ngoại thành. Cụ thể, nạc vai lợn và sườn lợn được bán với giá 130.000-140.000 đồng/kg; Thịt bò từ 180.000-200.000 đồng/kg; gà ta giá 150.000-160.000 đồng/kg; cua đồng giá 150.000 đồng/kg. 

Trong khi giá bán thực phẩm tại các chợ nội thành đứng ở mức cao thì tại một số siêu thị như: BigC, Metro... thịt gà lại rẻ hơn. Cụ thể, tại siêu thị BigC, gà lẩu giá 123.900 đồng/kg; gà thả vườn nguyên con 102.900 đồng/kg; gà ta nguyên con 124.900 đồng/kg; ngan nguyên con giá 121.900 đồng/kg; gà tre 117.900 đồng/kg. Theo nhận xét của nhiều người tiêu dùng, mặt hàng thịt gà, ngan tại siêu thị này có giá rẻ hơn 10.000- 25.000 đồng/kg so với giá bán lẻ tại các chợ. Thịt tươi, còn hạn sử dụng và lượng bán ra mỗi ngày vẫn tăng. Tuy nhiên, giá thịt lợn và thịt bò tại BigC lại cao hơn so với giá bán tại các chợ. Nạc thăn 147.800 đồng/kg; sườn 162.900 đồng/kg; thịt ba chỉ 145.900 đồng/kg; thịt nạc vai 149.400 đồng/kg; mông sấn 118.900 đồng/kg.

Hàng hóa thiết yếu phải quản chặt

Theo đại diện truyền thông của BigC, việc thu mua được hàng với số lượng lớn là lợi thế để doanh nghiệp đem đến giá tốt cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, siêu thị này cũng vận động các nhà cung cấp thường xuyên khuyến mãi. Ngoài ra, một số nhà cung cấp có vốn bình ổn giá được UBND thành phố Hà Nội hỗ trợ cũng cam kết giá bán ổn định tới người tiêu dùng. Theo ghi nhận của PV ANTĐ, Công ty TNHH Thành Đồng II thực hiện chương trình bình ổn giá tại siêu thị BigC. Tuy nhiên, mức giá so sánh với cùng mặt hàng tại các chợ không được bình ổn chưa rõ rệt.

Bà Trịnh Thị Lương (Láng Hạ) chia sẻ: “Thực phẩm trong siêu thị nhìn ngon mắt và sạch sẽ, an tâm hơn so với ngoài chợ. Nhưng tính trung bình thì giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu cho bữa ăn cũng ngang ngửa nhau. Khách hàng cứ tiện dụng thì mua”.

Bộ Công Thương cho biết, nhằm tăng cường công tác bình ổn thị trường, Bộ này đã phối hợp với Bộ NN&PTNT rà soát cân đối cung cầu và bình ổn thị trường đối với mặt hàng thực phẩm, điều tiết cung cầu mặt hàng thịt và vấn đề xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc; phối hợp dự thảo Quyết định dự trữ lưu thông bắt buộc đối với một số mặt hàng thiết yếu. Đồng thời, triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thị trường như: phối hợp thanh tra giá, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt đối với các hàng hóa thiết yếu, nhất là đối với mặt hàng xăng dầu, vật liệu xây dựng, lương thực, thực phẩm, rau xanh…