Huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới |
Công văn nêu rõ, căn cứ tình hình xây dựng nông thôn mới, UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã và các sở, ngành liên quan tập trung triển khai, thực hiện 6 tiêu chí: Có 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới; có 100% số thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có ít nhất 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được HĐND thành phố thông qua; đất cây xanh sử dụng công cộng trên địa bàn tối thiểu là 4m2/người.
UBND thành phố cũng giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã và các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung triển khai, thực hiện hoàn thành tiêu chí: Có ít nhất 70% số km đường huyện, đường tỉnh, quốc lộ trên địa bàn được trồng cây xanh dọc tuyến đường.
Sở Nội vụ chủ trì; UBND các huyện, thị xã và các sở, ngành liên quan tập trung triển khai, thực hiện hoàn thành tiêu chí: Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý (Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước) đạt từ 90% trở lên.
Các sở, ngành liên quan nghiêm túc, tập trung triển khai thực hiện, bảo đảm hoàn thành các tiêu chí theo đúng quy định; định kỳ hằng quý báo cáo kết quả triển khai thực hiện gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp.
Theo báo cáo, đến nay, toàn thành phố đã có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 382/382 xã đạt tiêu chí nông thôn mới (giai đoạn 2015-2020); 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn đến cuối năm 2023 còn 0,06%...
Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều địa phương tiếp tục triển khai giải pháp nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí theo hướng bền vững, với đích đến là nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Năm 2022, Thanh Trì hoàn thành chương trình nông thôn mới nâng cao và chưa đầy 1 năm sau, Thanh Trì tiếp tục đăng ký với 100% số xã về đích nông thôn mới kiểu mẫu. Sau 2 ngày đánh giá chấm điểm, 8 xã đầu tiên của Thanh Trì đã đủ điều kiện trình thành phố công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023. Trong đó có 2 xã đầu tiên của Thanh Trì và cũng là của Thành phố Hà Nội đạt kiểu mẫu toàn diện ở cả 8/8 lĩnh vực trong đó môi trường là tiêu chí khó hoàn thành nhất cũng đã được 2 xã hoàn thành.
Tại huyện Hoài Đức, năm 2023 được giao chỉ tiêu hoàn thiện nông thôn mới kiểu mẫu ở 2 xã và có thêm 4 xã nâng cao. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị mạnh mẽ, Hoài Đức đã đăng ký tăng thêm 5 xã nâng cao. Và sau 3 ngày đánh giá chấm điểm, cả 11 xã gồm 2 xã kiểu mẫu và 9 xã nâng cao đều đã đủ điều kiện trình thành phố công nhận. Theo lãnh đạo Văn phòng điều phối nông thôn mới Hà Nội, mặc dù mới ở những ngày đầu thẩm định nhưng số lượng và chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đều ở mức rất cao.
Với quan điểm xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu phải bứt phá, sáng tạo, hiệu quả, hướng tới người dân, Hà Nội đã huy động được sự vào cuộc tích cực và tự giác của nhân dân, tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp an toàn.
Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội