Thú vị phong tục lì xì ở các nước

ANTD.VN - Lì xì vào đầu năm mới là truyền thống tốt đẹp ở nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, mỗi nước lại có phong tục mừng tuổi riêng.

Vào dịp Tết Nguyên đán, người ta thường trao nhau lì xì đỏ (hồng bao) kèm theo những lời chúc tốt đẹp tới gia đình, bạn bè và đặc biệt trẻ nhỏ

Trong văn hóa Trung Quốc cũng như nhiều nước châu Á khác, màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn và thịnh vượng. Đó cũng là lý do, màu này thường được chọn để làm hồng bao

Phong tục tặng lì xì đỏ xuất hiện trong một số câu chuyện dân gian về năm mới của Trung Quốc. Theo truyền thuyết, vào đêm giao thừa, một con quỷ tên "Sui" thường đến quấy nhiễu những đứa trẻ khi chúng ngủ. Cha mẹ tìm mọi cách để con cái của họ thức suốt đêm

Một em bé được bố mẹ cho 8 đồng xu để chơi và tỉnh táo. Tuy nhiên, chỉ một lúc sau, đứa trẻ không thể mở mắt, gục xuống gối cùng những đồng xu. Con quỷ xuất hiện, song không thể chạm vào người đứa trẻ

Những đồng xu, thực chất là Tám vị thần bất tử ngụy trang, đã tạo ra một luồng ánh sáng mạnh mẽ xua đuổi tà ma. Ngày nay, phong bì, tượng trưng cho những đồng xu, đôi khi được gọi là "tiền đàn áp Sui"

Ban đầu, lì xì được dành cho riêng trẻ nhỏ. Ngày nay, người ta tặng hồng bao cho bạn bè, gia đình, đồng nghiệp. Với mỗi mối quan hệ, số tiền bên trong lì xì lại khác biệt

Có nhiều quy tắc và phong tục trong việc trao tặng lì xì. Một ví dụ điển hình là chỉ được đút những tờ tiền mới và đẹp vào đó. Do vậy, mỗi dịp năm mới, người ta xếp hàng dài ở ngân hàng để đổi tiền rách và cũ

Thường người ta sử dụng những tờ tiền mới để mừng tuổi đầu năm. Tiền mới tượng trưng cho sự mới mẻ, tinh khôi, một khởi đầu mới. Khi được nhận lì xì, văn hóa ở nhiều nước phương Đông quy định ngầm rằng người nhận chỉ được mở phong bao sau khi người trao tặng đã ra về để thể hiện phép lịch sự

Ở Trung Quốc, vào dịp đầu năm, nếu có trẻ nhỏ “vòi” tiền mừng tuổi, người lớn không bao giờ từ chối bởi nếu làm như vậy, cả năm sau sẽ không may mắn

Theo tục lệ truyền thống, trẻ em thường chúc người mừng tuổi cho mình những điều may mắn, tốt đẹp trước khi đón nhận chiếc phong bao. Những chiếc phong bao này sau đó sẽ được tích lại, cất dưới gối ngủ trong khoảng một tuần rồi mới mở ra

Ngày nay, người Trung Quốc thường để tiền lì xì trong các bao màu đỏ in hình các danh nhân. Màu đỏ biểu tượng cho sự thắng lợi và triển vọng. Lời chúc in trên phong bao thường mang nghĩa cầu mong sự sung túc và may mắn trong năm mới

Người Trung Quốc quan niệm, một người bắt đầu đi làm và kiếm được tiền chính là thời điểm ngừng nhận lì xì. Nếu chưa kết hôn, bạn không cần phải mừng phong bao đỏ cho người khác. Người thân (ông bà, cha mẹ), vẫn tặng bạn phong bao đỏ trong ngày Tết, dù bạn đã có gia đình

Truyền thống tặng lì xì  hiện đã vượt qua biên giới địa lý và tôn giáo. Ở hầu hết các nước, khi mừng tuổi đầu năm, người ta đều ưa chuộng dùng phong bao đỏ nhưng riêng ở Nhật Bản, món tiền này được đựng trong phong bao trắng có đề tên của người nhận, thể hiện một sự trân trọng

Người Hàn Quốc gọi tục lì xì là Sabae. Ông bà và người lớn tuổi thường mừng tuổi cho con cháu với hy vọng một năm mới tốt lành. Hiện nay, tiền mừng tuổi có thể là phiếu quà tặng ở nhiều gia đình

Người Hoa tại Singapore rất coi trọng tết âm lịch. Ngoài tiền, bên trong phong bì đỏ có thể chứa phiếu quà tặng, ngân phiếu, vé xe tháng, tem hoặc tiền xu thay cho tiền giấy. Một số người Hoa trẻ ở Singapore lì xì cho cha mẹ bằng một bữa cơm tại nhà hàng hoặc một chuyến du lịch

Những người Malaysia theo đạo Hồi sinh sống ở Malaysia, Brunei, Indonesia và Singapore cũng sớm tiếp nhận tục lệ mừng tuổi người già và trẻ nhỏ trong Tết Eid al-Fitr của người Hồi giáo. Tuy vậy, thay vì dùng phong bao đỏ, họ dùng phong bao xanh lá cây

Vào dịp Tết Eid al-Fitr, những gia đình Hồi giáo thường chuẩn bị sẵn nhiều phong bao xanh lá cây để tặng khách đến thăm nhà. Họ không chỉ mừng cho người già, trẻ nhỏ mà tất cả bạn bè, họ hàng, làng xóm… tới chơi nhà đều được nhận

Cộng đồng người theo đạo Hindu Ấn Độ ở Malaysia còn có truyền thống mừng phong bao lì xì màu tím, gọi là ang pao vào dịp lễ ánh sáng Diwali. Thời xưa, phong bao màu vàng phổ biến hơn

Tại Việt Nam, theo truyền thống, cứ giao thừa hoặc mùng 1, các gia đình người Việt lại tụ họp đông đủ. Đây là dịp để con cháu chúc Tết ông bà, cha mẹ và nhận lì xì mừng tuổi

Phong bao lì xì với một số tiền nhỏ, tượng trưng cho lời chúc may mắn, mạnh khỏe, học giỏi, hay ăn chóng lớn của người lớn gửi đến trẻ em. Do đó, thường chỉ các bậc trưởng thượng mới lì xì cho cháu con hoặc em út của mình, chứ người nhỏ tuổi không lì xì người lớn hơn

Tuy nhiên, ngày nay, việc mừng tuổi cũng không còn giới hạn trong ngày mùng 1 hay ba ngày đầu năm nữa, mà còn có thể kéo dài đến hết tháng Giêng. Những người nhỏ tuổi nhưng đã lập gia đình, đã có thu nhập thì có thể mừng tuổi cho những bậc cao niên như cha mẹ, ông bà, để chúc tụng may mắn, sức khỏe, bình an

Ngoài người thân trong gia đình, tục lì xì đã mở rộng khi bạn bè, đối tác, hàng xóm chúc Tết cũng có thể lì xì lẫn nhau. Khi đó phong bao lì xì còn có ý nghĩa tượng trưng cho sức khỏe, thành đạt, hạnh phúc, thể hiện qua những câu chúc trên bao lì xì như "Hòa gia bình an", "Vạn sự như ý"...

Trước đây, bao lì xì có ý nghĩa tinh thần nhiều hơn. Hiện nay, trong một số trường hợp, bao lì xì nghiêng về ý nghĩa vật chất khi nó thay cho lời cảm ơn của con cái với cha mẹ, hay những người trong xã hội