Thủ tướng: Trong tháng 12-2022, khởi công xây dựng cao tốc Bắc-Nam và sân bay Long Thành

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chính phủ đặt mục tiêu trong tháng 12-2022, khởi công xây dựng 12/12 dự án thành phần với chiều dài 729 km của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông và dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành…
Quang cảnh phiên khai mạc

Quang cảnh phiên khai mạc

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 – Quốc hội khóa XV sáng nay, 20-10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023.

Thủ tướng cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với khi xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022. Ở trong nước, áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh; nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài cần được giải quyết; dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp...

Dù vậy, tình hình kinh tế xã hội nước ta trong 9 tháng năm 2022 vẫn phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Có thể kể đến: kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,73%, ước cả năm khoảng 4%.

Thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định; tăng trưởng tín dụng 9 tháng đạt khoảng 11%, tập trung nhiều cho sản xuất kinh doanh. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%; ước cả năm đạt khoảng 8% (mục tiêu là 6 - 6,5%).

Thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ; ước cả năm vượt 14,3%, tăng 2,9% so với năm 2021. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng đạt trên 558 tỷ USD, tăng 15%; xuất siêu 6,76 tỷ USD….

Cùng đó, dịch Covid-19 được kiểm soát tốt trên phạm vi toàn quốc. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Về chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội và 03 Chương trình mục tiêu quốc gia được tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện. Trong 9 tháng đã thực hiện được hơn 60 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng số vốn của Chương trình phục hồi và phát triển KTXH và giao kế hoạch vốn chi tiết 03 Chương trình mục tiêu quốc gia khoảng 92 nghìn tỷ đồng, đạt 92% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025.

Chính phủ cũng đặt mục tiêu phấn đấu trong tháng 12-2022, khởi công xây dựng 12/12 dự án thành phần với chiều dài 729 km của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Quốc hội

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Quốc hội

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn trên các lĩnh vực như: Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; nợ xấu, nợ thuế có xu hướng tăng. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn...

Từ thực tiễn đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu ra 6 bài học kinh nghiệm, đồng thời chỉ đạo nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm 2022. Trong đó, yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp chú trọng phòng chống dịch bệnh; khẩn trương khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định các loại thị trường; điều hành lãi suất, tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp; bảo đảm ổn định hệ thống tiền tệ, ngân hàng...

Về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023, Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ hàng đầu vẫn là phải tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Cùng đó, thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tập trung phòng chống, kiểm soát dịch bệnh...

Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu; đẩy mạnh công tác quy hoạch.

Trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, có tính liên vùng, hạ tầng đô thị lớn, các dự án đường sắt đô thị, hạ tầng văn hóa, xã hội. Trong năm 2023, phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng một số đoạn cao tốc đã có chủ trương đầu tư; một số dự án đường sắt đô thị; nâng cấp mở rộng, khai thác lưỡng dụng một số sân bay…

Các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế xã hội năm 2023

Có 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; trong đó: tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5 - 6%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1 - 1,5%...