- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 80% nguồn thu từ quảng cáo báo chí rơi vào mạng xã hội
- ĐBQH chất vấn về việc bác sĩ “dởm” hành nghề nhan nhản, Bộ trưởng Bộ Y tế nói gì?
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo trước Quốc hội chiều 12-11 |
Chiều 12-11, Quốc hội chuyển sang phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Thủ tướng Chính phủ về tình hình kinh tế, xã hội.
Báo cáo Quốc hội trước khi bước vào trả lời chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giải trình làm rõ một số vấn đề chủ yếu được ĐBQH và đồng bào, cử tri quan tâm.
Thủ tướng cho biết, trong tháng 10-2024, kinh tế xã hội nước ta tiếp tục xu hướng tích cực, vượt trội hơn tháng 9; tính chung 10 tháng kết quả đạt được tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) thấp hơn giới hạn quy định.
Chính phủ đã báo cáo và đề xuất Bộ Chính trị đồng ý phương án xử lý hết 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, kéo dài nhiều năm qua, trong đó một số dự án đã có lãi; chuyển giao bắt buộc xong 2 ngân hàng yếu kém. Công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 được triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả.
Trên cơ sở những kết quả tích cực của 10 tháng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả để giữ đà, giữ nhịp, phấn đấu tăng trưởng GDP quý IV đạt trên 7,5%, cả năm đạt trên 7%; qua đó đảm bảo đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu của năm 2024, tạo lực, tạo đà cho thực hiện kế hoạch năm 2025.
|
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên chất vấn |
Đi sâu vào một số nội dung cụ thể, Thủ tướng Chính phủ cho biết, đúng như ý kiến của một số vị ĐBQH, tình hình giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; 10 tháng giải ngân đạt 52,29% (cùng kỳ năm 2023 là 56,74%), giải ngân vốn ODA chỉ đạt 27,88%; có 29 bộ, cơ quan trung ương và 21 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới trung bình cả nước, trong đó 9 bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.
Chỉ rõ các nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công với tinh thần “5 quyết tâm”, “5 đảm bảo”, phấn đấu năm 2024 giải ngân trên 95% kế hoạch.
Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, công tác này được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo và đạt được một số kết quả tích cực. Đặc biệt, đã đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuyển đổi số, trong đó triển khai Đề án 06 góp phần tiết kiệm chi phí xã hội trên 3.000 tỷ đồng mỗi năm…
“Tuy nhiên, công tác này còn nhiều tồn tại, hạn chế như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ trong bài viết của mình và các vị ĐBQH đã nêu” – Thủ tướng nói, đồng thời phân tích cụ thể các nguyên nhân.
Về giải pháp thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nêu 6 giải pháp sẽ tập trung chỉ đạo trong thời gian tới như: Khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật; Tiếp tục rà soát, cắt giảm và tiết kiệm chi NSNN, nhất là chi thường xuyên; Tăng cường thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực, nhất là về đầu tư, tài sản công, đất đai, khoáng sản…; xử lý nghiêm vi phạm với tinh thần “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”...
Đặc biệt “sẽ xây dựng bộ máy hành chính nhà nước theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm: “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”” – Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng báo cáo rõ một số nội dung về bảo đảm cung ứng điện; thúc đẩy chuyển đổi số; phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao…