Thụ tinh trong ống nghiệm khi còn trẻ và nguy cơ ung thư vú

ANTĐ - Nghiên cứu ở Úc cho thấy thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) ở giai đoạn đầu của tuổi trưởng thành làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ.

Những phụ nữ bắt đầu dùng thuốc điều trị vô sinh và đã tiến hành IVF khi ở tuổi 24 có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn 56% so với những phụ nữ cùng độ tuổi nhưng không làm IVF. Nguy cơ này không tăng ở những phụ nữ bắt đầu điều trị vô sinh khi họ khoảng 40 tuổi, bất kể họ có làm IVF hay không.

Kết quả này dựa vào một nghiên cứu trên hơn 21.000 phụ nữ được đăng trong tạp chí Fertility and Sterility.

Theo tác giả nghiên cứu Louise Stewart thuộc Trường đại học Đông Úc (Úc), phụ nữ trẻ có thể tăng nguy cơ ung thư vú vì họ đã phơi nhiễm nồng độ estrogen cao hơn trong các chu kỳ điều trị IVF.

Nhóm nghiên cứu chọn lọc thông tin của 21.025 phụ nữ từ 20 đến 40 tuổi đã điều trị vô sinh tại các bệnh viện ở Đông Úc trong thời gian 1983-2002. Các tác giả đã tập hợp đủ dữ liệu để theo dõi phụ nữ trong khoảng 16 năm xem liệu họ có bị ung thư vú không.

Kết quả là gần 1,7% trong số 13.644 phụ nữ chỉ dùng thuốc điều trị vô sinh mà không làm IVF đã bị ung thư vú ở thời điểm kết thúc nghiên cứu, tỷ lệ ở phụ nữ dùng thuốc điều trị vô sinh và làm IVF là khoảng 2%.

Điều này đã thay đổi khi phụ nữ được chia thành 2 nhóm tuổi khác nhau. Những phụ nữ 24 tuổi dễ bị ung thư vú hơn khoảng 1,5 lần nếu họ đã làm IVF cùng với các liệu pháp điều trị vô sinh khác. Kết quả nghiên cứu ủng hộ việc phụ nữ bắt đầu điều trị IVF ở lứa tuổi 30 - 40.

Các tác giả gợi ý tiến hành một nghiên cứu theo dõi những phụ nữ có chu kỳ kinh dài hơn để xem liệu có mối liên quan giữa ‘liều’ IVF và tỷ lệ ung thư vú không.

Tại Anh, 45.264 phụ nữ được điều trị IVF trong năm 2010. 1/3 số phụ nữ dưới 35 tuổi đã có con nhờ IVF.