Thu thuế nội địa đạt thấp nhất trong vòng 14 năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thu ngân sách có xu hướng giảm dần theo các tháng kể từ đầu năm và thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó thu thuế nội địa đã xuống mức thấp nhất trong vòng 14 năm.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong tháng 5, tổng thu ngân sách ước đạt 103,4 nghìn tỷ đồng, bằng 6,4% dự toán và 62,1% mức thu bình quân 4 tháng đầu năm (166,5 nghìn tỷ đồng/tháng).

Cập nhật số liệu trên hệ thống, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đến hết ngày 1/6/2023 đạt 782,9 nghìn tỷ đồng, bằng 48,31% dự toán, trong đó, thu ngân sách Trung ương đạt 51,4% dự toán, thu ngân sách địa phương đạt 44,8% dự toán.

Trong đó, số thu thuế nội địa do ngành thuế quản lý trong tháng 5 đạt 85.200 tỷ đồng; lũy kế 5 tháng đầu năm ước đạt 663.843 tỷ đồng. Số thu này bằng 48,3% so với dự toán pháp lệnh, bằng 96,9% so với cùng kỳ.

Mặc dù số thu nội địa 5 tháng đầu năm đạt khá so với dự toán nhưng đang trong xu hướng giảm (thu tháng 1 đạt 14,7%; tháng 2 đạt 7,7%; tháng 3 đạt 8,9%; tháng 4 đạt 9,9%; ước thực hiện tháng 5 đạt 6,4% dự toán).

Thu ngân sách có xu hướng giảm mạnh

Thu ngân sách có xu hướng giảm mạnh

Theo ông Mai Xuân Thành, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, trong tình hình khó khăn hiện nay, nhất là so với các năm trước thì đây là mức thu thấp nhất trong vòng 14 năm.

“Nếu loại trừ các khoản thu phát sinh theo quý, tháng và các khoản thu đột biến thì diễn biến thu các tháng vẫn trên đà giảm, dự báo các tháng tới cũng chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Trên cơ sở diễn biến số thu như hiện nay, ngành Thuế đã tổ chức nhiều hội nghị bàn về giải pháp tăng thu ngân sách, trên tinh thần rà soát tất cả khoản có thể thu, các khoản tiềm năng. Cùng với đó, Tổng cục Thuế tổ chức công tác thu bằng cách khoán thu đến từng đơn vị... hướng tới mục tiêu hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách mặc dù còn nhiều khó khăn”, ông Mai Xuân Thành cho biết.

Về thu từ xuất nhập khẩu, ước cũng chỉ đạt 20,1 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở tổng số thu thuế đạt 29 nghìn tỷ đồng, bằng 6,8% dự toán và 93,2% mức thu bình quân 4 tháng đầu năm (31,1 nghìn tỷ đồng/tháng). Số thu lũy kế 5 tháng đạt 152.942 tỷ đồng, bằng 36% dự toán, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 5 tháng năm 2023 là 260,79 tỷ USD, giảm 15,3% (tương ứng giảm 47,17 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu 9,6 tỷ USD.

Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu là 135,22 tỷ USD, giảm 12,3% và tổng trị giá nhập khẩu là 125,57 tỷ USD, giảm 18,4%. Đáng chú ý, kim ngạch xuất nhập khẩu chịu thuế giảm sâu hơn kim ngạch xuất nhập khẩu, trong đó, kim ngạch xuất khẩu có thuế giảm 21,8% và kim ngạch nhập khẩu có thuế giảm 19,6%. Do đó, thu ngân sách hải quan có xu hướng giảm, mức giảm tháng sau cao hơn tháng trước và cao hơn cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 5, cơ quan Thuế, Hải quan tiếp tục triển khai các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính khoảng 63,16 nghìn tỷ đồng.

Cũng theo Bộ Tài chính, tổng chi cân đối NSNN tháng 5 ước đạt 152 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi 5 tháng đạt 653,1 nghìn tỷ đồng, bằng 31,5% dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt khoảng 157,1 nghìn tỷ đồng, bằng 21,6% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 20,8% kế hoạch và 22,22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 35,5% (tăng khoảng 41,2 nghìn tỷ đồng) so cùng kỳ năm 2022; chi trả nợ lãi ước đạt khoảng 43 nghìn tỷ đồng, bằng 41,8% dự toán, giảm 2,3%; chi thường xuyên ước đạt 452,4 nghìn tỷ đồng, bằng 38,6% dự toán, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Cân đối ngân sách được đảm bảo. Tính đến ngày 25/5/2023, đã phát hành gần 162,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ, kỳ hạn bình quân 12,18 năm, lãi suất bình quân 3,8 %/năm.