Thu phí phương tiện đi qua điểm nóng ùn tắc

ANTD.VN - Để giảm ùn tắc giao thông, TP Hà Nội vừa đưa ra hàng loạt biện pháp hành chính và biện pháp kinh tế nhằm quản lý phương tiện giao thông đường bộ. Trong đó, đáng chú ý có giải pháp thu phí phương tiện hoạt động ở khu vực thường xuyên ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Đây được xem là giải pháp hiệu quả khi nhắm tới được 2 mục tiêu là phát triển hạ tầng giao thông và kiềm chế được vấn nạn ùn tắc giao thông.

Dự báo, đến năm 2030 có 1,7 triệu ô tô và 7,7 triệu xe máy. Trong khi đó, việc chiếm dụng mặt đường của phương tiện là 85,8%. Với dự báo này, từ năm 2025 - 2030, trong Vành đai 3, phương tiện cơ giới cá nhân sẽ vượt năng lực đáp ứng của hệ thống đường đô thị 7,5 lần và 10,6 lần, tức là các phương tiện giao thông không thể di chuyển được. Do đó, việc bắt tay thực hiện ngay các giải pháp nhằm hạn chế phương tiện và giảm ùn tắc giao thông là rất cần thiết.

PV Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội

Ở đây có một bộ phận người ta sử dụng cái hạ tầng nhiều hơn thì theo quy luật anh nào xử dụng hạ tầng nhiều hơn thì anh đó phải đóng tiền. Cái thứ 2 là anh nào làm cho ùn tắc giao thông nhiều hơn thì anh đó cũng phải đóng tiền để giảm ùn tắc giao thông, như vậy là anh được hưởng lợi thì anh phải có nghĩa vụ với nhà nước, đối với cộng đồng chứ không phải chỉ anh được lợi. Vậy cho nên đây là biện pháp kinh tế, để người dân cùng tham gia giao thông, cùng có trách nhiệm trong việc chống ùn tắc giao thông

Về tính khả thi của đề án, câu hỏi được quan tâm nhiều nhất đó là, với mật độ giao thông hiện tại, chúng ta sẽ thu phí bằng cách nào?!

PV TS Nguyễn Xuân Thủy – Nguyên Giám đốc NXB Giao thông vận tải

Bây giờ ta áp dụng cái thu BOT, thu không dừng, thế giới người ta làm từ lâu rồi. Người ta có những cái thẻ cảm ứng, người ta phân biệt ra anh nào được vào, anh nào không được vào, người ta sẽ lưu lại video sau đó người ta thông qua cái tài khoản. Tuy nhiên quá trình đó cũng phải có lộ trình chứ không thể làm ngay được đâu.

Lộ trình thực hiện đề án gồm giai đoạn 2017-2018, tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải; 2017 - 2020, hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng và giai đoạn 2017 - 2030, từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian.

PV TS Nguyễn Xuân Thủy – Nguyên Giám đốc NXB Giao thông vận tải

Thu phí vào giờ cao điểm, tôi ủng hộ về cái đó tuy nhiên nó phải có điều kiện. Thứ 1 là hạ tầng phải tốt phải đảm bảo cầu đường, mọi cái được nâng cấp lên, không có nhiều điểm đen giao thông. Thứ 2 là giao thông công cộng phải đảm bảo 30% trở lên, bây giờ chúng ta mới có 8 đến 10% thôi. Thì lúc đó ta mới dùng được cái biện pháp hạn chế người vào giờ cao điểm.

Đây là một giải pháp tất yếu thành phố sẽ phải thực hiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, để đề án này mang lại hiệu quả thì cần áp dụng song song các giải pháp khác, tạo tiền đề cho việc hạn chế xe vào giờ cao điểm. Trong đó yếu tố quan trọng vẫn là hạ tầng giao thông.