“Thủ phạm” của dấu hiệu lạ trên da mặt

ANTĐ - Là một phần của hệ thống miễn dịch, da bảo vệ cơ thể chống lại các yếu tố môi trường. Tuy nhiên, khi cơ thể chiến đấu với bệnh tật, nó có thể bị quá tải, biểu hiện ở sự xuất hiện mụn trứng cá và vùng sưng đỏ. Vì thế, da mặt có thể phản ánh những gì đang xảy ra bên trong cơ thể.


Mụn trứng cá ở cằm

“Thủ phạm” chủ yếu là do sự mất cân bằng nội tiết. Nhiều phụ nữ có mụn ở cằm ngay trước khi đến kỳ kinh, đây là biểu hiện của sự nhạy cảm với việc tăng hormone progesterone và testosterone. Tuy vậy, nếu không phải là một vài mụn trứng cá nhẹ mà có xu hướng nặng hơn, đã đến lúc dành thời gian để khám phụ khoa. Theo chuyên gia da liễu hàng đầu của Mỹ, mụn nang và sâu ở cằm hoặc dọc theo đường quai hàm có thể là dấu hiệu cơ bản của hội chứng buồng trứng đa nang và các loại nội tiết tố bất thường khác. Nếu không được điều trị, bệnh này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và vô sinh. Phương hướng điều trị ra sao? Đối với một số bệnh nhân, thuốc tránh thai là cách cân bằng hàm lượng hormone hiệu quả trên da. Một vài nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tránh ăn đường, ưu tiên trái cây và rau quả cũng có thể giảm thiểu các kích thích của nội tiết tố có thể dẫn đến mụn trứng cá.

Thâm và phù dưới mi mắt

Có thể nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết nguyên nhân hàng đầu của hiện tượng này là do dị ứng. Dị ứng mãn tính làm giãn các mạch máu, tạo ra vòng tròn dưới mắt sưng phồng và lộ màu tối. Tất nhiên, có người thậm chí không nhận ra họ đang bị dị ứng vì chưa từng gặp vấn đề này bao giờ. Do chất gây dị ứng cũng có thể kích hoạt histamine, một chất hóa học góp phần gây sưng, làm cho ngứa mắt và chảy nước mũi, ai đó có thể dụi mắt nhiều, điều đó càng làm cho đôi mắt thêm tồi tệ. Phần da mỏng quanh mắt bị kích thích nhiều có thể làm vỡ những mao mạch quanh vùng đó. Gặp các triệu chứng như vậy, hãy thử một dòng thuốc có kháng histamin (chống dị ứng). Tất nhiên, nếu không thấy đỡ nên đến gặp bác sỹ để tìm nguyên nhân chính xác.

Da mặt đỏ và sưng tấy

Triệu chứng này là biểu hiện của một trong số các nguyên nhân: căng thẳng, rối loạn tiêu hóa. Vùng da đỏ và hơi sưng tấy trên mặt và cổ có thể liên quan đến căng thẳng, nó được kích hoạt bởi sự biến động của hormone căng thẳng. Trong khi đó, những cụm mụn đỏ thường là dấu hiệu của bệnh tiêu hóa. Sở dĩ như vậy vì da và đường tiêu hóa đều có đặc điểm chung là đưa chất đào thải ra ngoài, nên vấn đề tiêu hóa có thể xuất hiện trên da. Một nghiên cứu năm 2008 được công bố trên tạp chí Tiêu Hóa và Gan lâm sàng cho thấy, người bị bệnh viêm da mạn tính khi uống kháng sinh để loại bỏ bớt vi khuẩn trong đường ruột thì da mặt cũng được cải thiện. Trong các trường hợp này, giải pháp giảm triệu chứng là tránh ánh nắng mặt trời và các thực phẩm có vị cay nóng. Bên cạnh đó, các bài tập giảm stress cũng có công dụng đáng kể. Ngoài ra, khi bổ sung các chế phẩm sinh học như sữa chua, nhiều vi khuẩn lành mạnh sẽ giúp điều tiết tiêu hóa, lại cải thiện tình trạng viêm da.