Thu nhập người lao động mong muốn khi tìm kiếm việc làm thay đổi thế nào?

ANTD.VN - Kinh tế suy thoái đã tác động không nhỏ đến thị trường lao động, kéo theo những kỳ vọng của người lao động về mức lương khi tìm kiếm công việc ít nhiều có sự thay đổi.

Số lượng người lao động tìm việc có mức lương cao giảm đáng kể

Báo cáo thị trường lao động do Bộ LĐ-TB&XH vừa công bố mới đây cho thấy, xu hướng người lao động tìm việc có mức lương cao, nhất là các công việc có mức lương trên 20 triệu đồng, đã giảm đáng kể so với quý trước.

Trong quý 3/2023, mức lương kỳ vọng của người lao động tìm việc chủ yếu vẫn từ 5 – 10 triệu đồng, chiếm gần 40% (giảm so với mức 48% của quý 2/2023); hơn 32% người tìm việc mức lương 10 – 15 triệu đồng, và chỉ có chưa đầy 10% người tìm việc từ 15 – 21 triệu đồng.

Tại Hà Nội, báo cáo thị trường lao động hồi tháng 9 của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng phần nào thể hiện rõ hơn xu hướng này, khi mức lương từ 5 – 10 triệu đồng cũng là mong muốn của hơn 40% người lao động tìm việc trong tháng, cao nhất so với kỳ vọng ở các phân khúc thu nhập còn lại; chỉ 21,32% người tìm việc lương từ 10 - 15 triệu đồng/tháng.

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, với mức lương từ 5 – 10 triệu đồng thông thường dành cho đại bộ phận các vị trí việc làm ổn định như, kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, các vị trí lao động phổ thông có tay nghề.

Còn từ mức 10 triệu đồng trở lên sẽ dành cho các chỉ tiêu tuyển dụng chất lượng cao, người lao động có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, có khả năng chịu áp lực công việc cao, hoặc tuyển dụng vào các vị trí kinh doanh, quản lý, giám sát, trưởng – phó phòng…

Trong tháng 9/2023, nếu như nhóm lao động chủ yếu tìm việc có mức 5 – 10 triệu đồng, thì đây cũng là mức được nhà tuyển dụng chi trả phổ biến, chiếm 37,32%, cao nhất so với các mức lương khác; gần 25% doanh nghiệp chi trả mức lương dao động từ 10 - 15 triệu đồng/tháng và 9,8% vị trí có mức lương trên 20 triệu đồng.

Theo số liệu thu thập của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trong quý 3 và 9 tháng năm 2023, các chỉ số hoạt động kinh doanh của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng tăng so với cùng kỳ, kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực và phát triển tốt.

Nhiều ngành, lĩnh vực tiếp tục duy trì xu hướng tích cực, như: khu vực công nghiệp có tốc độ tăng nhẹ, tăng trưởng trong lĩnh vực bán lẻ hàng hoá, lạm phát tiếp tục có xu hướng giảm dần.

Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố thuận lợi, nền kinh tế vẫn đang đối mặt với một số khó khăn, thách thức khi cầu thế giới phục hồi yếu; động lực từ khu vực sản xuất tuy đã có cải thiện so với nửa đầu năm, nhưng còn khá yếu do thiếu hụt đơn hàng; thị trường xuất khẩu thu hẹp.

Vì thế, dự báo thị trường lao động trong thời gian tới, cũng như nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tiếp tục sự có sự biến động.

Bộ LĐ-TB&XH cũng dự báo, trong quý 4/2023, bên cạnh một số ngành dự báo tăng tuyển dụng lao động thì vẫn có những ngành có xu hướng giảm việc làm, như sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, và sản phẩm quang học; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim các loại...