"Thú mỏ vịt" Su-34 trước nguy cơ trở thành nỗi thất vọng lớn của Không quân Nga

ANTD.VN - Máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 của Nga thời gian gần đây đang phải hứng chịu nhiều chỉ trích cho rằng, nó là một sản phẩm thiết kế lỗi.

 

Máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 Fullback (Hậu vệ) là một trong những vũ khí được Không quân Nga dành cho nhiều mỹ từ ca ngợi nhất trong suốt thời gian qua, như "Xe tăng bay", "Chiến đấu cơ độc nhất vô nhị"...
Đặc điểm nổi bật của chiếc tiêm kích - bom được thiết kế nhằm thay thế Su-24 này, đó là khả năng bay cực thấp để xâm nhập khu vực đối phương kiểm soát, tung đòn tấn công bằng vũ khí dẫn đường chính xác hay trinh sát trận địa.
Bên cạnh đó, Su-34 còn được quảng cáo có khả năng không chiến chẳng thua gì tiêm kích chiếm ưu thế trên không chuyên nghiệp.
Vậy nhưng sau một thời gian đưa vào sử dụng, nhất là qua thực chiến tại Gruzia và Syria, "xe tăng bay" Su-34 đã bộc lộ nhiều nhược điểm chết người.
Đầu tiên, đó là thiết kế của Su-34 tỏ ra quá lạc hậu, ngày nay khi các khí tài trinh sát, cảnh giới đã cực kỳ phát triển, việc chế tạo một chiến đấu cơ chuyên thực hiện nhiệm vụ xâm nhập tầm thấp luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cực cao.
Đáng nói hơn, Su-34 không hề có khả năng tàng hình, thậm chí nó còn mang đầy đủ nhược điểm của dòng Su-27 Flanker, đó là có diện tích phản xạ radar cao hàng đầu thế giới.
Đặt cạnh F-35, tên lửa hành trình hay máy bay không người lái vũ trang thì rõ ràng chiếc Su-34 tỏ ra thất thế nặng.
Ngoài ra hệ thống điện tử của Su-34 từng bị nhận xét là kém tin cậy khi radar mảng pha thụ động Leninets V004 khó nhận dạng mục tiêu tại các khu vực lộn xộn như rừng núi. Khí tài này được tối ưu hóa cho nhiệm vụ tấn công mặt đất - mặt biển, năng lực đối không ở mức trung bình khá.
Điều này được chứng minh rõ qua cuộc xung đột tại Gruzia, mặc dù Nga cho biết đã khắc phục phần nào nhược điểm trên, tuy nhiên Su-34 vẫn tỏ ra chưa theo kịp sản phẩm cùng loại của phương tây như Rafale hay F-16 Block 52.
Trong tác chiến đối không, radar Leninets V004 chỉ nhận biết được máy bay tiêm kích hạng nặng từ cách xa 90 km và dẫn đường cho tên lửa tiêu diệt ở cự ly 60 km.
Thông số này rõ ràng thua xa các loại chiếm ưu thế trên không chuyên nghiệp, chưa kể RCS của Su-34 quá cao sẽ khiến nó bị thua thiệt rất nhiều, không thể đối đầu sòng phẳng như những gì Nga vẫn quảng cáo.
Tại chiến trường Syria, sau khi chiếc Su-24 bị F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ thì đã có một thời gian Su-30SM phải bay kèm Su-34 trong lúc làm nhiệm vụ hỗ trợ hỏa lực mặt đất.
Điều này dẫn đến câu hỏi tại sao lại phải điều động tới 2 chiếc chiến đấu cơ có chi phí hoạt động trên 40.000 USD/giờ bay cùng lúc, trong khi ném bom thông minh hay bắn tên lửa đối đất có điều khiển thì Su-30SM đều làm không kém Su-34, còn không chiến nó lại tốt hơn hẳn.
Nhận xét trên rõ ràng ảnh hưởng nghiêm trọng tới triển vọng xuất khẩu của Fullback, đặc biệt với những quốc gia có ngân sách quốc phòng hạn hẹp (đối tượng chủ yếu mua vũ khí Nga).
Tóm lại với những nhược điểm nêu trên, rõ ràng Su-34 đang trở thành một nỗi thất vọng lớn dành cho Không quân Nga.