Thu hẹp diện tích bến xe Lương Yên

(ANTĐ) - Đang từ diện tích hơn 12.000m2, bến xe Lương Yên, quận Hai Bà Trưng sẽ phải thu gọn còn hơn 5.000m2, để phục vụ cho dự án nhà cao tầng trên nền đất cũ.
Nhiều tâm trạng
Xét về quy mô, bến xe Lương Yên thuộc diện nhỏ nhất so với các bến Gia Lâm, Nước ngầm, Mỹ Đình và bến xe phía Nam. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến thời điểm này, bến Lương Yên có khoảng 700 lượt xe/ngày, gồm các loại hình buýt kế cận, buýt nội đô và các tuyến xe khách cố định.

Khu bến tạm đang hình thành 
 Khu bến tạm đang hình thành 

Có mặt tại bến xe Lương Yên sáng 23-6, chúng tôi cảm nhận được phần nào xu hướng “bóp nhỏ” bến xe này. Hai lối ra, vào vẫn duy trì như trước; đầu vào ngay lối rẽ dốc từ cây xăng xuống và đầu ra lên đê Nguyễn Khoái. Khu quảng trường để nhà xe trả khách, xếp lượt vẫn tấp nập các đầu xe. Tuy nhiên ngay lối cổng vào, phần lớn mặt bằng của bến mới đã hình thành. Khu mặt bằng này được thảm bê tông, cao hơn nền “cốt” cũ của bến. Theo phản ánh của một lái xe, vị trí này trước kia là nhà kho, nhà xưởng của đơn vị quản lý bến xe Lương Yên, nay được trưng dụng làm việc khác. Mang câu hỏi “có băn khoăn, đề xuất gì khi bến xe thu hẹp diện tích” trao đổi với nhiều nhà xe, chúng tôi nhận được những phản hồi khác nhau.

Nhà xe T.H, chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng chia sẻ: “Tôi cũng có nghe thông tin điều chỉnh mặt bằng, diện tích bến. Nhưng cụ thể việc điều chỉnh ra sao đối với các nhà xe thì chưa được công bố. Hoạt động tại bến Lương Yên, quen tuyến, quen khách rồi, phải thay đổi, di chuyển tất yếu khó tránh khỏi những khó khăn, nhất là trong thời buổi cạnh tranh gay gắt này”. Anh Hùng, một phụ xe tuyến Móng Cái - Hà Nội cho biết: “Tôi nghe thông tin không chính thức là nếu có điều chỉnh thì chỉ chỉnh các tuyến xe buýt thôi. Việc điều chỉnh như vậy theo tôi cũng là hợp lý, bởi xe buýt còn có nhà chờ dọc đường. Còn xe khách chúng tôi, đã xuất bến là phải chạy thẳng. Nếu bị dồn ra ngoài đường là… nghỉ luôn”.

“Chưa có phương án cụ thể”
Đó là khẳng định của ông Trần Ngọc Thiều - Giám đốc Công ty Lương thực cấp I Lương Yên, đơn vị chủ quản bến xe Lương Yên. Theo ông Thiều, bến xe Lương Yên hiện tại thuộc quyền quản lý của Công ty Lương thực cấp I Lương Yên và cao hơn nữa là Tổng công ty Lương thực miền Bắc. Từ năm 2009, lãnh đạo Tổng công ty Lương thực miền Bắc đã có chủ trương chuyển dần, thu nhỏ hoạt động của bến xe Lương Yên, từ đó xây các khu nhà cao tầng trên nền cũ của bến. Chủ trương này đã được lãnh đạo Tổng công ty Lương thực miền Bắc báo cáo UBND TP Hà Nội và đã được thành phố thống nhất về chủ trương để tổng công ty phối hợp với đơn vị chức năng lập, thực hiện dự án đầu tư xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. UBND TP cũng giao cho một số sở, ngành kiểm tra, đánh giá về dự án trên.

Ông Phạm Hoàng Long - Trưởng ban Quản lý dự án số 3 Lương Yên (đơn vị chịu trách nhiệm về dự án xây dựng trên nền đất bến xe Lương Yên) cho biết, đến thời điểm này, dự án vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi. Mới chỉ dừng ở việc thu hẹp diện tích của bến chứ chưa có những quy hoạch cụ thể đối với các công trình xây dựng sau này. Phía chủ đầu tư mới xin được thỏa thuận của Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão và đang tiến hành các bước tiếp theo của dự án.

Một thực tế có thể nhìn thấy trước là nhu cầu đi lại của người dân trong thời gian tới qua bến xe Lương Yên chắc chắn sẽ có thêm nhiều “thử thách”. Diện tích giảm đồng nghĩa với việc  khó tránh khỏi giảm các đầu xe; đồng nghĩa với việc các nhà xe phải rút ngắn thời gian lưu đỗ trong bến và “bung” ra đường. Và như thế, giao thông trên trục đê Nguyễn Khoái sẽ có những thay đổi tương đối phức tạp. Đây là những vấn đề mà đơn vị quản lý bến xe Lương Yên cần chủ động tính toán, phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết.