Thủ đoạn tinh vi mang iPhone 15 Promax giả vào cửa hàng xăng dầu "đặt" để mượn tiền

ANTD.VN - Một nữ nhân viên cây xăng bị 2 thanh niên lạ mặt thuyết phục cho "cắm" điện thoại iPhone 15 Promax để lấy tiền mặt gấp. Hai ngày sau nữ nhân viên này mới nhận ra đó là chiếc điện thoại iPhone giả.
Ba đối tượng dùng iPhone 15 Promax giả đi lừa đảo lấy tiền mặt

Trước đó, Công an huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh nhận được tin báo của chị V.T.B. (SN 1994, trú tại xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc) làm việc tại một cửa hàng xăng dầu đóng tại địa bàn thôn Khe Giao 1, xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà về việc, ngày 16-1, khi đang bán xăng thì có 2 thanh niên đi xe máy vào trình bày đang có việc gấp cần dùng tiền để xử lý, và đưa cho chị một chiếc điện thoại di động có đặc điểm tương tự iPhone loại 15 Promax, kèm hóa đơn mua hàng của cửa hàng thế giới di động, ngỏ ý muốn mượn của chị 10 triệu đồng. Nhóm này xin để lại điện thoại để làm tin, đến chiều sẽ quay lại trả tiền và nhận lại điện thoại.

Do tin người và qua kiểm tra IMEI của điện thoại, IMEI trên hóa đơn bán hàng trùng khớp nên chị B. đã cho hai thanh niên kia mượn 10 triệu đồng, đồng thời giữ lại chiếc điện thoại iPhone, lấy số điện thoại của hai thanh niên kia để liên hệ.

Tuy nhiên, đến sáng ngày 18-1, chị B. kiểm tra kỹ chiếc điện thoại iPhone thì phát hiện thấy không đúng hàng chính hãng nên đã liên hệ cho hai thanh niên kia nhưng không liên lạc.

Sau khi tiếp nhận tin báo, lực lượng Cảnh sát hình sự Công an huyện Thạch Hà và Công an xã Ngọc Sơn đã phối hợp rà soát, xác minh, bắt giữ Nguyễn Văn Tân (SN 1996, trú tại xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh); Nguyễn Văn Thảo (SN 1984) và Trương Thế Anh (SN 1992), đều trú tại thôn Tiến Hưng, xã Thạch Hưng, TP Hà Tĩnh, là các đối tượng thực hiện vụ lừa đảo trên.

Khám xét nhà và phương tiện các đối tượng, lực lượng Công an thu giữ 7 điện thoại nhãn hiệu iPhone 15 Promax, 1 điện thoại nhãn hiệu Samsung Ultra23, cùng 6 hóa đơn bán hàng của các điện thoại trên.

Qua làm việc tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận, điện thoại và hoá đơn các đối tượng sử dụng để cầm cố với chị V.T.B không phải là điện thoại chính hãng mà là hàng “fake” mua qua mạng xã hội với giá trị là 2,1 triệu đồng.

Bước đầu cơ quan công an xác định, với thủ đoạn tương tự, các đối tượng trên đã thực hiện trót lọt 7 vụ án ở Nghệ An và Hà Tĩnh, chiếm đoạt được hơn 100 triệu đồng.