Thủ đô với những việc làm đẹp nơi công cộng

ANTD.VN - Để góp phần từng bước điều chỉnh hành vi chưa đẹp, hình thành những chuẩn mực văn hóa trong lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức ở nơi công cộng của thủ đô, từ đầu năm 2017, Hà Nội đã ban hành riêng một bộ quy tắc ứng xử tại nơi công cộng. Đến nay, sau 5 năm tích cực triển khai, hiệu quả thu được không chỉ là sự giảm đi của những hành vi thiếu văn minh ở nơi công cộng, mà đáng mừng hơn, hành động đẹp đã được lan tỏa, xuất hiện nhiều hơn những sứ giả tuyên truyền lối ứng xử văn minh trong cộng đồng.

Dù sáng sớm, hay tối muộn, mưa hay nắng, người dân ở đây không bao giờ thấy vắng bóng ông tổ trưởng dân phố Lưu Minh Bàn. Đặc biệt là từ khi thấy được hiệu quả của Bộ bộ quy tắc ứng xử tại ở nơi công cộng trên địa bàn thành phố, áp dụng tại nơi mình sinh sống, dường như đôi chân của người đã ở tuổi thất thập lại càng có thêm động lực để dẻo dai trên chiếc xe đạp với loa và chiếc usb nho nhỏ hoạt động hết công suất.

Đó là câu chuyện của ông Tổ trưởng tổ dân phố Lưu Minh Bàn phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, từ thời điểm đầu tiên khi bộ quy tắc ứng xử tại nơi công cộng mới được ban hành 5 năm trước. Giờ đây, những hình ảnh đẹp này đã lan toả khắp ngõ ngách, phố phường của Thủ đô.

Câu chuyện về mô hình tổ dân phố văn hoá “5 không” ở quận Thanh Xuân là một ví dụ. Khởi đầu từ ý tưởng xây dựng mô hình “4 không” của các cán bộ tổ dân phố số 17 phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, gồm: “Không rác, không tệ nạn xã hội, không hộ nghèo và không vi phạm trật tự xây dựng” giúp cho bộ mặt của phường có những thay đổi tích cực.

Thành phố đã dành nhiều lời khen ngợi về mô hình này và gợi ý Quận thêm “1 không” vào mô hình là “Không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè”, đồng thời nhân rộng trong nhân dân. Đến nay, mô hình “5 không” đã được triển khai sâu rộng và đem lại hiệu quả ở nhiều tổ dân phố trong toàn Quận.

Lo lắng, nhưng ông Tình và các cán bộ trong tổ luôn cố gắng hết sức mình, tích cực tuyên truyền vận động các hộ dân trong tổ nâng cao ý thức tự giác cùng nhau xây dựng và bảo vệ không gian chung.

Còn với sáng kiến gom rác vào một giờ cố định của bà Nguyễn Thị Lý ở tổ dân phố số 5 thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn cũng góp phần chấn chỉnh được tình trạng buôn bán tự phát của một số người dân, duy trì được bộ mặt văn minh sạch đẹp. Bà Lý rất phấn khởi khi đã góp một phần công sức của mình vào việc hiến kế giúp bộ quy tắc ứng xử tại nơi công cộng tại nơi mình ở được triển khai hiệu quả.

Bộ quy tắc ứng xử tại nơi công cộng được ban hành là một sáng kiến mà hiệu quả của nó đã được ghi lại bằng những câu chuyện về cách ứng xử đẹp tại những không gian chung. Những câu chuyện nhỏ ấy đang ngày càng nhiều thêm nhờ sự góp sức của những con người đang tự nguyện vẽ thêm những mảng màu tươi sáng cho bức tranh văn hoá ứng xử của Thủ đô Hà Nội.