Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Bộ Công an đã hỗ trợ, theo dõi chặt chẽ việc quản lý thị trường vàng

ANTD.VN - "Trước khi tổ chức can thiệp thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã họp, mời đại diện của các cơ quan, đặc biệt là Bộ Công an để hỗ trợ, theo dõi quá trình triển khai, tránh các hành vi trục lợi, gian lận"...

Đặt vấn đề chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) cho biết, có ý kiến cho rằng, do có nhiều bộ, ngành cùng tham gia quản lý và công tác phối hợp chưa tốt, nên hiệu quả quản lý thị trường vàng chưa cao.

Đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết quan điểm và giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả hơn đối với vấn đề này trong thời gian tới.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) chất vấn

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Thanh Hương về trách nhiệm quản lý thị trường vàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, mỗi lĩnh vực, mỗi ngành có cơ quan chủ trì thống nhất quản lý, và có các bộ ngành khác tích cực tham gia. Các nhiệm vụ này đã được quy định rõ trong văn bản quy phạm pháp luật, các Bộ ngành không trùng lắp nhau về trách nhiệm, thẩm quyền. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý thị trường vàng, các Bộ, các ngành cần tăng cường phối hợp chặt chẽ.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an. Trước khi Ngân hàng Nhà nước tổ chức can thiệp vàng, Ngân hàng đã họp, mời đại diện của các cơ quan, đặc biệt là Bộ Công an để hỗ trợ, theo dõi quá trình triển khai để tránh các hành vi trục lợi, gian lận trong quá trình can thiệp.

Ngân hàng Nhà nước cũng thực hiện vai trò chủ trì, đầu mối để phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các cơ quan hữu quan để kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh, mua bán vàng miếng, vàng trang sức mỹ nghệ, từ đó kịp thời tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định để khắc phục những hạn chế, khó khăn, quản lý chặt chẽ thị trường này.

Cùng tham gia chất vấn, đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) cho biết, trước kỳ họp thứ 7, cử tri Tây Ninh kiến nghị, để tháo gỡ khó khăn của rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng là chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, đề nghị cho phép doanh nghiệp tự kê khai lại hàng hóa tồn kho. Bảng kê khai này được coi là căn cứ xác định nguồn gốc. Thống đốc trả lời rằng, khi thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh vàng chịu trách nhiệm kê khai vốn theo quy định. Ngoài ra, Nghị định 24 quy định doanh nghiệp kinh doanh vàng phải chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng chứng từ.

Hầu hết các cơ sở kinh doanh vàng hiện nay là doanh nghiệp tư nhân được nâng cấp từ các cửa hàng lên, thủ tục đăng ký hết sức đơn giản, chỉ điền thông tin vào một biểu mẫu và họ phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình. Thường thì do tế nhị, trước đây họ không ai ghi hết cái tài sản của mình và cũng không được yêu cầu. Do đó, nhiều loại vàng, nhất là những tài sản do cha ông để lại thì không thể chứng minh được nguồn gốc. Và cũng bởi thành lập từ những cửa hàng kinh doanh của gia đình nên họ làm theo thói quen vốn có và có sai sót trong sổ sách, chứng từ. Khó khăn phải chứng minh nguồn gốc là có thực và rộng khắp cả nước.

“Với tinh thần chủ động tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế và không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, đại biểu chất vấn Thống đốc có thể tham mưu Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan phối hợp để tháo gỡ những khó khăn này” - đại biểu đặt câu hỏi.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn

Trả lời đại biểu Trần Hữu Hậu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Nghị định 24 đã quy định rất rõ trách nhiệm các bộ, ngành đối với chức năng quản lý nhà nước liên quan đến vấn đề kế toán, chứng từ… thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính. Cùng với đó, Thống đốc NHNN cho biết, NHNN sẽ tiếp tục tham gia với các bộ, ngành, đồng thời ghi nhận câu hỏi của đại biểu và sẽ trao đổi với các Bộ chức năng như Bộ Tài chính để có cân nhắc, đánh giá.