Tác dụng y học của cây thông đỏ
Cây thông đỏ có tên khoa học là Taxus wallichiana thuộc họ Thanh tùng - Taxaceae, là loài cây bụi hay cây thân gỗ nhỏ nhiều cành, phân bố tại hẻm núi các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương và TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), ở độ cao từ 1.300 - 1.700m. Cây thông đỏ được coi là loại dược liệu quý, được dùng trị nhiều bệnh đặc biệt lá và vỏ cây có thể điều chế các hoạt chất để chữa trị ung thư.
Thông thường 1kg lá thông đỏ chiết xuất được 20 mg paclitaxel. Giá mỗi mg paclitaxel trên thị trường khoảng 4,87 USD. Tuy nhiên việc chiết xuất paclitaxel từ lá thông không hề dễ dàng. Để có thể tạo ra một liều thuốc trị bệnh ung thư từ vỏ cây, người ta phải cần sử dụng khoảng 6 cây thông đỏ trưởng thành, trong khi số lượng thông đỏ lại không hề dồi dào. Thông đỏ lại là một trong những loài cây chậm lớn nhất trái đất nên với số lượng ít cây thông đỏ tìm thấy ở Lâm Đồng, chỉ đủ sản xuất vài chục liều. Lương y Vũ Quốc Trung cũng cho rằng: Tác dụng kéo dài thời gian sống với bệnh nhân ung thư của cây thông đỏ đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu tại thế giới và trong nước. Những loại thuốc chữa ung thư được chiết xuất từ cây thông đỏ do Pháp và Mỹ sản xuất đã có mặt trên thị trường từ năm 1994 với giá vô cùng đắt đỏ. Tuy nhiên tại Việt Nam hiện vẫn chưa sản xuất được loại thuốc này trong khi thông đỏ Lâm Đồng là loại đặc biệt quý hiếm và có hàm lượng hoạt chất cao bậc nhất thế giới.
Phân viện Sinh học Đà Lạt là nơi đầu tiên nghiên cứu và đã hoàn thành bước đầu việc chiết xuất taxos - một chất có thể trị ung thư - từ lá thông đỏ. Thành công này mở ra nhiều triển vọng cho y tế Việt Nam trong việc điều trị ung thư vú và ung thư phổi, vốn đang sử dụng thuốc ngoại nhập rất đắt tiền. Tuy nhiên loại cây này rất hiếm và khó sống, ở Đà Lạt hiện chỉ có khoảng 300 cây. Theo dự kiến, sản phẩm taxos đầu tiên trị bệnh ung thư sẽ được ra đời trong vòng 1-2 năm tới.
Chứa nhiều độc chất nguy hiểm
Mặc dù được gọi là thảo dược vàng nhưng đằng sau vẻ đẹp mê mẩn của nó là những độc tố mạnh và có cường độ cao. Bằng những kiểm nghiệm khoa học, người ta đã chỉ ra rằng hầu như trong mọi thành phần của cây đều có chất độc ngoại trừ vỏ của hạt. Độc tố trong thông đỏ mạnh và có cường độ cao. Nó có sức bền tồn tại đến mức kể cả khi phơi hay sấy khô vẫn có khả năng gây chết người. Độc tố của thông đỏ được định danh là hơn 350 loại taxane khác nhau. Tất cả chúng đều có bản chất là các alkaloid. Taxane xuất hiện ở mọi bộ phận của cây, nhưng nhiều nhất là trong lá và vỏ cây. Taxane là một chất độc chết người. Cơ chế của chúng là gây độc cho hệ tim mạch và thần kinh, dẫn đến hệ quả là huyết áp thấp, nhịp tim chậm, giảm sức co bóp cơ tim. Sự giảm huyết áp xuống mức thấp và sự giảm nhịp tim đến quá chậm làm thiếu máu ở tim, não và nhiều cơ quan trọng yếu. Trên hệ thần kinh, chúng gây ra hiện tượng run, co giật, bất tỉnh. Nạn nhân ngừng thở và tử vong. Chỉ cần một liều 200–400 mg/kg là một con ngựa đã có thể chết. Liều gây chết người là 50-100g lá cây thông đỏ. Khi ăn phải 5 lá hay 10 hạt thì một đứa trẻ 2 tuổi bắt đầu có biểu hiện nhiễm độc. Ăn đến 150 lá thì có thể gây tử vong.
Tuy vậy cách đây ít lâu, lá thông đỏ Lâm Đồng đã bị cắt trộm đem bán cho các thương lái với giá 5000 đồng/bó để phục vụ cho việc cắm hoa. Việc này rất nguy hiểm vì không chỉ ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên quý hiếm mà còn gây ngộ độc nếu không may trẻ em ăn phải.
Bát nháo tinh dầu thông đỏ
Nắm bắt được tác dụng của thông đỏ, hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều loại tinh dầu thông đỏ được quảng cáo rầm rộ là “thần dược thiên nhiên” với hàng trăm công dụng như điều trị ung thư, viêm xoang, cải thiện vẻ đẹp cho phụ nữ. Một lọ thông đỏ 100 viên hiện đang được rao bán tại các trang mạng khá cao từ 1,1 triệu đồng - 1,5 triệu đồng/hộp. Chẳng hạn sản phẩm Pine power gold-tinh dầu thông đỏ Hàn Quốc được quảng cáo với thành phần là Red Pine Needle Oil for Food 98%, Vitamin E 2%. Pine power gold chữa được bách bệnh. Đặc biệt, có hiệu quả trên 70% với các loại ung thư: Ung thư phổi (A549): 78.4%; Ung thư vú (MCF-7): 95.5%; Ung thư gan (Heb3B): 90.6%; Ung thư dạ dày (KATO III): 87.2%.
Tuy nhiên theo bác sĩ Lê Ngọc Tùng, Trưởng khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Thanh Nhàn thì hiện chưa có sản phẩm nào có thể điều trị được bệnh ung thư nên không có cơ sở khẳng định tinh dầu thông đỏ chữa được bệnh ung thư. Đặc biệt, với thành phần tinh dầu thông đỏ 98%, vitamin E 2% thì chỉ có tác dụng bổ sung vitamin và tăng nội tiết, không thể chống ung thư và các loại bệnh khác.