Thời điểm thịnh vượng của Việt Nam đã chín muồi

ANTD.VN - Truyền thông thế giới đánh giá Việt Nam đang chuẩn bị cho một sự kiện chính trị quan trọng là Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong điều kiện thuận lợi mà không nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay có được. Đại hội được tổ chức trong bối cảnh vị thế của Việt Nam đang vững chắc, kiểm soát tốt dịch bệnh, đồng thời duy trì đà tăng trưởng kinh tế.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội từ 25-1 đến 2-2-2021

Trang asiamediacentre.org.nz (New Zealand) vừa đăng tải bài viết của giảng viên cấp cao Murat Ungor thuộc trường Đại học Otago, phân tích trường hợp Việt Nam gần đây nổi lên là quốc gia châu Á có vị thế ngày càng vững chắc trong khu vực và tiềm năng tăng trưởng kinh tế cao trong tương lai.

Bài viết nhận định Việt Nam đã đến thời điểm chín muồi, theo đó dẫn chứng các số liệu thống kê khả quan. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), tương tự năm 2018, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Việt Nam trong năm 2019 tăng 7% - một trong những tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Có ý kiến cho rằng nếu có thể duy trì mức tăng trưởng kinh tế 7% trong thập kỷ tới, Việt Nam sẽ đi theo quỹ đạo giống như “những con hổ châu Á” trước đây. Với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, thương mại quốc tế của Việt Nam cũng ngày càng tự do hóa. WB hiện coi Việt Nam là một trong những nước mới nổi năng động nhất ở khu vực Đông Á.

Theo bài viết, Việt Nam phản ứng nhanh chóng và hiệu quả với đại dịch Covid-19 và những thành công chống dịch Covid-19 đã được ghi nhận. Chìa khóa thành công của Việt Nam là xét nghiệm, truy dấu tiếp xúc và tuyên truyền, mang các thông điệp khoa học và rõ ràng đến với người dân. Nhờ đó, Việt Nam nằm trong số ít nước có mức tăng trưởng kinh tế tích cực trong năm 2020. Theo báo cáo cập nhật Triển vọng kinh tế thế giới tháng 10 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế toàn cầu năm 2020 dự kiến giảm 4,4% vì đại dịch Covid-19, nhưng kinh tế Việt Nam nói riêng sẽ tăng trưởng 1,6%.

Báo The Sunday Times cũng đăng bài viết nhận định Việt Nam đang chuẩn bị cho một sự kiện chính trị quan trọng là Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong điều kiện thuận lợi mà không nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay có được. Những điều kiện thuận lợi được bài viết nhắc đến như tình hình đại dịch Covid-19 tại Việt Nam đã được kiểm soát, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế được dự báo “tiến nhanh” hơn các nước trong khu vực.

Việt Nam thậm chí ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài hơn, đặc biệt khi Hà Nội vừa ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU).

The Sunday Times nêu rõ trong khi các hãng hàng không khu vực lâm vào tình cảnh khó khăn trầm trọng, hãng hàng không thứ năm của Việt Nam đã khai trương chuyến bay đầu tiên vào tháng 12-2020. Bên cạnh đó, nỗ lực chống tham nhũng ở cấp cao cũng đã giúp nâng cao uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhân dân.

Theo The Sunday Times, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII dự kiến diễn ra từ ngày 25-1 đến 2-2 sẽ đề ra phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bầu ra ban lãnh đạo khóa mới.

Tờ báo dẫn đánh giá của Tiến sỹ Lê Thu Hương, nhà phân tích cấp cao thuộc Viện Chính sách chiến lược Australia, cho rằng ban lãnh đạo khóa mới sẽ điều hành đất nước trong môi trường hậu Covid-19 đầy thách thức, trong khi phải kiểm soát những hậu quả tiềm tàng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, đồng thời ứng phó với ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long.

Việt Nam cũng cần tận dụng đà phục hồi sớm từ dịch bệnh Covid-19 và phải tái cơ cấu nền kinh tế để tận dụng tối đa các hiệp định thương mại với EU và 14 quốc gia khác trong Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).