Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích Mỹ vì hủy bán tiêm kích F-35 và cơ hội mở ra cho Su-57 Nga

ANTD.VN -  Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cảnh báo Mỹ sẽ phải trả giá vì không bán tiêm kích F-35 cho Ankara. Trong khi đó Moscow hy vọng, Ankara có thể quay sang mua Su-57 để bổ sung sức mạnh thay thế.
Chương trình liên quan đến F-35 đối với Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa lại nóng lên khi mới đây Tổng thống Recep Tayyip Erdoga lên tiếng cảnh báo Washington về việc không thực hiện thỏa thuận.
Trong bài trả lời phỏng vấn truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan cảnh báo Mỹ sẽ phải đối mặt với hậu quả vì từ chối bán các tiêm kích F-35 và F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

"Liên quan những chiếc F-16, chúng tôi muốn mua từ Mỹ, nhưng Mỹ không bán cho chúng tôi. Ban đầu là F-35, nhưng Mỹ đã không giữ lời", ông Erdogan nói.

"Cho dù chúng tôi đã trả 1,4 tỷ USD, Mỹ không giao bất cứ thứ gì. Nếu Mỹ không giao vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ, Washington sẽ phải đối mặt với hậu quả", ông Erdogan nhấn mạnh.
Thổ Nhĩ Kỳ từng đặt hơn 100 chiếc F-35 do Lockheed Martin sản xuất và đã chuyển trước một khoản tiền cho thương vụ này.

Tuy nhiên, Mỹ đã gạt Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 vào năm 2019 sau khi Ankara kiên quyết mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga bất chấp Washington cảnh báo.

Mỹ quan ngại rằng, lá chắn S-400 do Nga sản xuất nếu hoạt động trong lực lượng của thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành mối đe dọa với tiêm kích tối tân F-35 cho cả khối NATO.

Dù Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần khẳng định, họ sẽ triển khai độc lập S-400 mà không tích hợp vào hệ thống của NATO nên sẽ không gây ra rủi ro về an ninh với khối liên minh quân sự.

Tuy nhiên cả Mỹ và đồng minh trong NATO đều lo ngại việc hệ thống S-400 do người Nga sản xuất có thể tích hợp vào lưới lửa phòng không và từ đó làm giảm hiệu năng của chiến đấu cơ F-35.
Năm 2021, Tổng thống Erdogan cho biết, Mỹ đã đề xuất bán cho Ankara các tiêm kích F-16 sau khi Washington loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35.
Tuy nhiên, thương vụ này vẫn đang gặp phải sự cản trở từ nhánh lập pháp của Mỹ khi quốc hội Mỹ vẫn chưa phê duyệt thương vụ bán F-16.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Bob Menendez, người giữ chức Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, tuyên bố rằng ông mạnh mẽ phản đối đề xuất bán máy bay F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ từng yêu cầu Mỹ chuyển giao máy bay chiến đấu F-35 hoặc trả lại 1,4 tỷ USD mà Ankara đã đầu tư vào chương trình F-35.

Năm 2021, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã "nêu rõ quan điểm của mình" về việc mua S-400 của Nga, đồng thời nói rằng Ankara bị "loại bỏ một cách bất công" khỏi chương trình máy bay chiến đấu của Washington.

Ông Cavusoglu kêu gọi Mỹ đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở lại chương trình này, hoặc tìm cách hoàn trả khoản đầu tư của Ankara, nếu không Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xem xét các lựa chọn khác.
Tiêm kích F-35 được Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ sản xuất từ năm 2006 và cho đến nay khoảng 1.000 máy bay đã xuất xưởng, điều này cho thấy nó được đánh giá rất cao trên phạm vi toàn thế giới, bất chấp những lời chê bai từ phía đối thủ.
Mỹ phát triển loại chiến đấu cơ này gồm ba phiên bản là F-35A cất cánh hạ cánh thông thường của Không quân, F-35B có thể hạ cánh thẳng đứng của Thủy quân lục chiến và F-35C hoạt động trên tàu sân bay.
"F-35 là tiêm kích tốt nhất của thế kỷ 21, nó thậm chí là chiến đấu cơ xuất sắc nhất từng được tạo ra", chuyên mục quân sự của ấn phẩm Canada HotCars cho biết.
F-35 được trang bị một kho vũ khí phong phú, được bố trí bên trong thân nhằm tránh bộc lộ diện tích phản xạ radar.
Đầu tiên là pháo hàng không 25 mm với 180 viên đạn, các tên lửa không đối không (AIM-120 AMRAAM, AIM-9X Sidewinder, AIM-132 ASRAAM, MBDA Meteor).
Bên cạnh đó còn là tên lửa không đối đất (AGM-88G AARGM-ER, AGM-158 JASSM), tên lửa chống hạm (AGM-158C LRASM), bom (bao gồm dẫn đường bằng laser, AGM-154 JSOW) và nhiều hơn nữa.
Khi ở chế độ tàng hình chúng chỉ có khả năng mang theo 2,8 tấn vũ khí, nhưng khi ở chế độ "quái thú" tức không ưu tiên khả năng tàng hình thì tổng trọng lượng vũ khí lên tới 10 tấn.
Hệ thống hiển thị trên mũ bay (HMDS) trang bị cho phi công F-35 giúp cung cấp dữ liệu cập nhật nhất với "mức độ nhận thức tình huống vô song"
Hệ thống tác chiến điện tử AN/ASQ-239 được lắp đặt trên F-35 giúp nó có thể xác định, giám sát, phân tích và ứng phó với các mối đe dọa trên mặt đất và trên không, đồng thời cung cấp tầm nhìn 360 độ về không gian tác chiến.
F-35 trang bị radar mảng pha chủ động có thể nhận diện mục tiêu cách 500 km. Trong trường hợp này, F-35 có thể sử dụng thiết bị giám sát thụ động và nhận thông tin từ các máy bay khác.
Tất cả những ưu điểm này cho phép loại máy bay này thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. F-35 đã có màn thực chiến ấn tượng tại Afghanistan và Syria.
Ở diễn biến liên quan, việc Mỹ từ chối cung cấp F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là cơ hội mở ra đối với ngành xuất khẩu vũ khí của Nga.

"Thổ Nhĩ Kỳ luôn có lựa chọn thay thế... Khi có nhu cầu, chúng tôi có thể chuyển sang các quốc gia khác. Chúng tôi có các lựa chọn thay thế", Ngoại trưởng Cavusoglu nói.

Phía Thổ Nhĩ Kỳ cho biết thêm rằng nước này có thể mua các máy bay chiến đấu Su-35 hoặc Su-57 do Nga sản xuất nếu Mỹ từ chối giải quyết vấn đề trên.