Thiếu trầm trọng nguồn nhân lực cao cấp

(ANTĐ) - Có thể nói, đó là một “lỗ hổng” ở nhiều doanh nghiệp hiện nay trong khi đó công tác này là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Làm thế nào để khắc phục thực trạng này? Câu hỏi này hiện nay vẫn chưa có lời giải một cách thỏa đáng.

Thiếu trầm trọng nguồn nhân lực cao cấp

(ANTĐ) - Có thể nói, đó là một “lỗ hổng” ở nhiều doanh nghiệp hiện nay trong khi đó công tác này là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Làm thế nào để khắc phục thực trạng này? Câu hỏi này hiện nay vẫn chưa có lời giải một cách thỏa đáng.

Đình công vì cán bộ  nhân sự kém

Tại cuộc hội thảo mới đây giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức lao động quốc tế (ILO) xung quanh vấn đề nguồn nhân lực cao cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay nhân sự cao cấp ở nước ta đang rất thiếu, đó là những “lỗ hổng” của doanh nghiệp…

Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ông Mai Đức Chính cho biết, khi được hỏi, các giám đốc đều cho rằng công tác nhân sự là vô cùng quan trọng và là một trong những yếu tố quyết định tới sự thành bại của doanh nghiệp. Thế nhưng hiện nay, cán bộ nhân sự của các doanh nghiệp phần lớn là kiêm nhiệm và chưa qua  trường lớp đào tạo  bài bản.

Một trong những nguyên nhân chính là các trường đại học, cao đẳng chưa có khoa chuyên ngành đào tạo quản trị nhân sự, mà chỉ có môn học quản trị nhân sự. Cán bộ nhân sự của doanh nghiệp phần lớn là được “sếp” giao việc do thấy có khả năng, sau đó gửi đi học các lớp tập huấn.

Vì chưa được đào tạo bài bản, theo ông Chính,  nhiều cán bộ quản trị nhân sự đã không tham mưu được cho chủ doanh nghiệp các chính sách về lao động, không xây dựng được mối quan hệ lao động tốt giữa chủ và thợ. Hậu quả là đình công liên tục xảy ra hoặc không kích thích được người lao động tăng năng suất lao động, tiết kiệm thời gian và vật tư cho doanh nghiệp.

Thậm chí đã từng xảy ra tại một doanh nghiệp ở TP.HCM, công nhân đình công chỉ vì cán bộ nhân sự đã không giúp được chủ doanh nghiệp giải thích cho người lao động hiểu rằng, lương làm thêm vào ngày lễ và chủ nhật cao hơn lương làm thêm ngày thường.

Chỉ có 6% được đào tạo bài bản

Ông Hoàng Văn Dũng - Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, sự thiếu, yếu của cán bộ nhân sự của chúng ta hiện nay là có ở 96% doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, chỉ 6% giám đốc doanh nghiệp được đào tạo bài bản. Phần đông còn lại thiếu kỹ năng quản lý, kỹ năng quản trị nhân sự. Điều đó khiến quan hệ lao động trong mỗi doanh nghiệp không được gắn kết, sử dụng người chưa đúng năng lực, sở trường của người lao động và tất yếu là năng suất lao động thấp.

Ông Vũ Mạnh Cường - Vụ trưởng Quan hệ lao động, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, giám đốc nhân sự phải nắm vững các  kiến thức kinh tế, luật pháp, xã hội và  nhất là phải có khả năng quản trị con người. Họ phải tham mưu với chủ sử dụng để thiết lập được mối quan hệ lao động bền vững, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa chủ và thợ. Bởi theo ông Cường, tài chính, dây chuyền thiết bị công  nghệ… doanh nghiệp hoàn toàn có thể mua hoặc vay được, nhưng quan hệ lao động thì không thể, mà chỉ có thể xây dựng bằng năng lực quản trị nhân sự.

“Giám đốc nhân sự phải có tâm và có tầm” - ông Chính nhận xét. “Tâm” là thấy được lợi ích và khó khăn của cả chủ và thợ, từ đó đề xuất giải pháp để đảm bảo lợi ích của hai bên. “Tầm” là phải có trình độ pháp luật, xã hội, nắm được hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đặc biệt là bản lĩnh kiên trì thuyết phục”.

Cái yếu, cái thiếu cũng như những yêu cầu cần có đối với người quản trị nhân sự đã được chỉ ra! Nhưng làm thế nào để khắc phục được những nhược điểm đó? Đây mới thực sự là vấn đề được nhiều người quan tâm nhưng dường như vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng phát triển, ngày càng đòi hỏi của Việt Nam hiện nay. 

Hồng Quân

Tin cùng chuyên mục