Thiếu “sếu đầu đàn” để làm tổng thầu các dự án lớn

ANTD.VN -  Ông Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù ngành cơ khí Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, nhiều doanh nghiệp là đối tác với các doanh nghiệp đa quốc gia nhưng quy mô và hoạt động vẫn khiêm tốn.

Ngành cơ khí đang phát triển mạnh mẽ hơn

Chia sẻ tại tọa đàm “Đa dạng thị trường, phát triển sản phẩm cơ khí” diễn ra ngày 9-12, ông Phan Đăng Phong cho biết, một số lĩnh vực cụ thể thuộc ngành cơ khí đã có tiến bộ.

Đơn cử, trong lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy, doanh nghiệp Việt Nam đã tự chủ trong việc thiết kế, chế tạo các dây chuyền lắp ráp ô tô.

Điển hình vừa rồi thành công trong việc ứng dụng dây chuyền để sản xuất, lắp ráp ô tô của VinFast và các dây chuyền lắp ráp đã đưa vào vận hành, góp phần cho ra đời một số dòng xe như: VF7, VF8, VF3...

Hay trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng mới thì doanh nghiệp cũng đã thành công trong việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ thực hiện hệ thống phao nổi và neo cho các dự án điện mặt trời.

Tuy vậy, doanh nghiệp cơ khí chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Chẳng hạn như trong lĩnh vực đường sắt đô thị hiện nay, hoặc là trong lĩnh vực các nhà máy điện khí, doanh nghiệp chưa có đủ các năng lực để làm tổng thầu hoặc làm trọn gói.

Các nhà máy về nhiệt điện, thuỷ điện, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, xi măng hoặc sản xuất nguyên liệu… chúng ta mới đáp ứng chưa đến 30% giá trị nhu cầu thiết bị.

“Chỉ khi chúng ta có những doanh nghiệp đủ năng lực để làm tổng thầu thì chúng ta mới có thể phát triển các thiết bị phụ trợ của các dây chuyền thiết bị. Còn nếu chúng ta không làm chủ được thì nước ngoài làm chủ về phần này, họ sẽ đi thuê lại các nhà thầu, có thể là nước ngoài hoặc các nhà thầu phụ trong chuỗi của họ hoặc các nhà thầu phụ tại Việt Nam. Như vậy, chúng ta sẽ rất bị động trong phát triển các thiết bị phụ trợ”- ông Phan Đăng Phong nói.

Nói về nguyên nhân của tình trạng này, đại diện Bộ Công Thương cho rằng nguyên nhân lớn là doanh nghiệp chưa đáp ứng được nhiều là do chúng ta chưa có đủ, chưa có nhiều doanh nghiệp “sếu đầu đàn” để sở hữu các công nghệ nguồn, đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các dự án trọn gói.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Cường - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cho hay, trong lĩnh vực gia công chế tạo máy, tỷ trọng doanh nghiệp FDI đang tham gia hoạt động sản xuất tại Việt Nam chiếm tỷ lệ rất lớn; trong đó các doanh nghiệp Việt đa phần là sản xuất linh, phụ kiện chi tiết để cung cấp ngược lại cho các doanh nghiệp FDI, bên cạnh đó là sản lượng dành cho xuất khẩu.

Đây là 2 phần chính, còn những doanh nghiệp Việt để có được tên tuổi, thương hiệu mà đưa ra một sản phẩm của doanh nghiệp Việt thì hiện nay là rất hạn chế.

Doanh nghiệp cơ khí trên địa bàn thành phố Hà Nội đa số là phát triển cho ngành phụ trợ, cung cấp phụ tùng cho các ngành như: điện tử, máy in, máy giặt giống cho các hãng Canon, Samsung hoặc LG… hoặc phụ tùng cho các ngành ô tô, xe máy như: Honda, Yamaha là chính.

“Các phần sản xuất, gia công, chế tạo thì đa số tại Hà Nội hiện nay chúng tôi khảo sát thì cũng không có nhiều và một số công ty thì có sản xuất các linh, phụ kiện của mình để xuất khẩu đi nước ngoài”- ông Nguyễn Đức Cường nói.

Theo đại diện Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, phát triển công nghiệp cơ khí hiện có nhiều thuận lợi, đặc biệt là về chính sách ưu đãi và sự có mặt của các tập đoàn lớn đa quốc gia tại Việt Nam. Tuy vậy, ngành cơ khí vẫn thiếu “sếu đầu đàn” nên chưa thể lớn mạnh.

Nêu quan điểm về các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp cơ khí, ông Cao Văn Hùng – Giám đốc phát triển thị trường quốc tế, Công ty CP Cơ khí chính xác Smart Việt Nam cho hay, nhiều chính sách phát triển ngành vẫn chỉ là lý thuyết, nên doanh nghiệp muốn tiếp cận sẽ gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, doanh nghiệp còn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối tác của Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ…

Theo ông Cao Văn Hùng, muốn có những “sếu đầu đàn”, doanh nghiệp cần được hỗ trợ để đầu tư thuận lợi, từ đó mở rộng nghiên cứu và phát triển, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.