Thiếu điện dự báo còn tái diễn vào năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ông Hà Đăng Sơn- chuyên gia năng lượng cho hay, dự báo tình trạng thiếu điện tại miền Bắc không chỉ diễn ra trong mùa hè năm nay mà còn có thể tái diễn trong năm 2024.
Nước về các hồ thuỷ điện có dấu hiệu khả quan hơn, song vẫn còn khó khăn
Nước về các hồ thuỷ điện có dấu hiệu khả quan hơn, song vẫn còn khó khăn

Chia sẻ tại tọa đàm “Giải quyết bài toán thiếu điện, cách nào?” diễn ra chiều 9-6, ông Nguyễn Quốc Trung- Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, dự báo trong tháng 6, tháng 7 năm nay, nắng nóng sẽ đạt đến cực hạn. Khoảng đầu tháng tháng 7, tần suất lũ về cao, nước về thượng nguồn sông Đà nhiều hơn nên nếu không có gì thay đổi, căng thẳng cấp điện tại miền Bắc mùa hè năm nay sẽ được giải tỏa.

Dù vậy, hiện tượng El Nino tái diễn năm nay, cộng với năm nay là năm nhuận, mùa khô sẽ có thêm 1 tháng vẫn sẽ khiến áp lực cấp điện gia tăng.

“Đến tháng 8 cấp điện được giải tỏa khi qua giai đoạn mùa khô và các nhà máy điện được vận hành ổn định”- ông Nguyễn Quốc Trung nói.

Theo ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN, trong giai đoạn 2016-2022, miền Bắc tăng trưởng nhanh điện thương phẩm, cao hơn cả miền Trung và Nam, trung bình đạt 9,9%. Nếu loại trừ 2 năm Covid-19 thì miền Bắc tăng 12-13%.

Vừa qua, tại miền Bắc có một số dự án điện công suất lớn được đưa vào vận hành là nhà máy nhiệt điện Hải Dương, công suất 1.300 MW; Nghi Sơn 2 công suất 1.200 MW và nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 1.200 MW. Tuy nhiên, do Nhiệt điện Thái Bình 2 mới đưa vào vận hành nên chỉ vận hành 600 MW.

Ngoài ra, từ năm 2016 đến nay, miền Bắc chưa có thêm dự án nguồn điện nào khởi công.

Theo ông Võ Quang Lâm, EVN hiện đang chiếm 38,4% tổng công suất hệ thống điện, còn lại của nhà đầu tư khác; Về lưới truyền tải, EVN đang nắm 100% và lưới phân phối bán lẻ, EVN chiếm 92%, còn lại các hợp tác xã, chủ đầu tư khác…

Thời gian qua, một số nhà máy nhiệt điện than đang gặp sự cố. EVN, PVN,TKV đang cố gắng tháng 7-8 tới đưa vào vận hành, hỗ trợ cho hệ thống điện thêm khoảng 1.000 MW.

“Bình thường các nhà máy nhiệt điện vận hành 6.000 giờ/năm phải nghỉ để bảo dưỡng, sửa chữa nhưng vừa rồi huy động cao nên xác suất sự cố tăng, thời gian bị hỏng kéo dài. Chúng tôi cũng làm việc để tăng cường nguồn than để tăng cường cho nhà máy nhiệt điện để tăng cường khả năng cung ứng điện”- ông Võ Quang Lâm cho hay.

Ông Hà Đăng Sơn- chuyên gia năng lượng cho hay, tình trạng thiếu điện đã được cảnh báo cách đây 2 năm và được nhắc nhiều hơn từ năm 2022, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc.

“Các tính toán đều nói rủi ro lớn trong cung ứng điện cho miền Bắc trong năm 2023-2024. Nguyên nhân vì miền Bắc gần như không có nguồn mới nào cả. Ngay cả nhiệt điện Thái Bình 2 cũng xây dựng gần 10 năm mới được hòa lưới thành công. Thủy điện thì 3-4 năm qua đều đã xây dựng hết cả rồi.

Điện tái tạo tại miền Bắc xây dựng khó khăn hơn miền Trung và miền Nam. Quy hoạch điện VIII mới được phê duyệt tạo điều kiện tối đa cho điện mặt trời mái nhà không nối lưới nhưng đến nay chưa có cơ chế, chính sách thực hiện. Đầu tư điện khí khó khăn, mất nhiều thời gian. Nguy cơ thiếu điện còn cao”- ông Hà Đăng Sơn thông tin.

TS Nguyễn Đình Cung- chuyên gia kinh tế cho hay, tăng trưởng kinh tế miền Bắc mấy năm nay tăng cao hơn phía Nam nhưng không có thêm nguồn điện nào.

“Nguyên nhân do hệ thống không phản ứng, không vận hành. Theo tôi, nhìn thấy thiếu hụt là cơ hội đầu tư, kinh doanh, là cơ hội phát triển chứ không phải là nút thắt để kìm hãm sự phát triển. Cần thay đổi cách thức làm chính sách, vận hành chính sách, xử lý vấn đề, còn không vẫn tiếp tục trì trệ”- ông Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, nên nhìn vấn đề một cách thực tế là đang thiếu điện và cần giải pháp, thay vì tính cơ cấu nguồn điện như thế nào, giá điện tái tạo ra sao… “Kế hoạch hành động cả năm chưa chắc đã có. Cần xử lý vấn đề gặp phải trong tổng thể sau đó mới tính cân bằng về cơ cấu nguồn”- ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 9-6, trên cả nước, lưu lượng nước về hồ thuỷ điện tăng nhẹ so với ngày hôm qua nhưng vẫn thấp. Mực nước các hồ khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ thấp, một số hồ xấp xỉ, dưới mực nước chết; Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên mực nước các hồ ở mực nước tối thiểu theo quy định của Quy trình vận hành.

Lượng nước về hồ chủ yếu để điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu, các nhà máy thủy điện vận hành phát điện bằng lưu lượng nước về, số nhà máy phải dừng chủ yếu tập trung khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ để đảm bảo an toàn cho tổ máy khi vận hành với lưu lượng và cột nước thấp dưới thiết kế, khó có thể đáp ứng được việc phát điện theo quy trình vận hành hồ chứa tại thời kỳ này.

Hiện vẫn còn một số hồ ở mực nước chết như: Lai Châu, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Thác Mơ, Trị An. Một số thủy điện phải dừng phát điện vì lưu lượng và mực nước hồ không đảm bảo gồm: Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang, Hủa Na, Trung Sơn, Trị An.

Dự báo tình hình thủy văn, lưu lượng nước về hồ 24h tới tăng; mực nước hồ tăng nhẹ, các hồ khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ ở mức thấp.