Thiết thực giúp dân đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão

ANTD.VN - Trước mỗi mùa mưa bão, tình trạng đường xá úng lụt, cây cối gãy đổ, mất điện… luôn là mối quan tâm của mọi người dân. Ngay chiều 27-5, Hà Nội cũng hứng chịu cơn mưa dông lớn, khiến một số cây xanh đã bị gãy đổ… Nhằm chia sẻ những thông tin mới nhất từ cơ quan chức năng giúp người dân phản ứng chủ động, tích cực hơn khi vào mùa mưa bão, Báo ANTĐ mới đây đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “An toàn, chống úng ngập mùa mưa bão 2018”. Dưới đây là một số nội dung hỏi - đáp được nhiều bạn đọc quan tâm.

Thiết thực giúp dân đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão ảnh 1CATP Hà Nội cứu trợ người dân huyện Chương Mỹ sau trận mưa lũ tháng 10-2017  Ảnh: Lam Thanh 

Những địa chỉ “bỏ túi” cần thiết

- Mùa mưa bão, để tránh đi vào những tuyến đường ngập úng tôi cần tìm hiểu và nắm thông tin ở đâu, xin cho biết?

- Ông Lê Vũ Quảng Sương, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội: Trong mùa mưa bão, các bạn có thể tham khảo thông tin tại các địa chỉ: Cổng thông tin điện tử thành phố Hà Nội: www.hanoi.gov.vn. Trang web của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội: www.thoatnuochanoi.vn và sử dụng phần mềm miễn phí HSDC Maps trên điện thoại thông minh để tra cứu các thông tin cần thiết.

- Trong thời gian qua, Công ty Thoát nước Hà Nội đã có những biện pháp nào để cải thiện tình trạng ngập lụt trên địa bàn thành phố?

- Ngay từ đầu năm công ty đã tập trung thực hiện các công tác duy tu, bảo dưỡng... đảm bảo hệ thống thoát nước hiện có được vận hành an toàn, thông suốt, khai thác tối đa công suất hiện có. Để tăng hiệu quả, Công ty Thoát nước Hà Nội đã từng bước áp dụng các giải pháp công nghệ vào công tác quản lý và sản xuất nhằm tăng, năng suất và chất lượng công việc. Cụ thể: Xây dựng và hoàn thiện Trung tâm giám sát thoát nước nhằm dự báo, giám sát diễn biến mưa, lượng mưa, tình hình hoạt động của các trạm bơm, đập điều tiết trên hệ thống thoát nước. Phạm vi giám sát đã được phủ kín trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội.

Cải tiến các cửa điều tiết A, B, C của kênh bao Yên Sở: Giúp đưa nước từ hệ thống về trạm bơm nhanh hơn (chỉ sau khoảng 1 giờ), qua đó đủ điều kiện vận hành bơm tiêu, thoát nước cho thành phố; Công ty cũng đã từng bước đầu tư và áp dụng các trang thiết bị cơ giới vào sản xuất, thay thế cho hình thức sản xuất thủ công. Ngoài ra công ty sử dụng công nghệ, vật liệu mới để giải quyết úng ngập, như đã nghiên cứu và đề xuất phương án xây dựng hồ điều tiết ngầm sử dụng vật liệu Crosswave tại khu vực trước cửa chợ Hàng Da để giải quyết úng ngập tại khu vực Đường Thành, Bát Đàn, Nhà Hỏa và được UBND TP.Hà Nội chấp thuận. 

- Liệu có phải Hà Nội bị ngập do công tác quy hoạch và quản lý chưa đúng tầm?

- Thủ đô Hà Nội đang phát triển với tốc độ cao nhằm đáp ứng yêu cầu là đầu tàu chính trị - kinh tế - xã hội của cả nước. Do vậy, việc xây dựng hạ tầng luôn thực hiện song hành với quá trình lớn mạnh của Thủ đô.  Hà Nội đã được quy hoạch chung, cũng như có quy hoạch chuyên ngành, phân khu và đang triển khai thực hiện. Tuy nhiên, do vừa xây dựng, vừa hoạt động nên không tránh khỏi có những bất cập. Những tồn tại này sẽ được khắc phục khi công tác đầu tư xây dựng hoàn chỉnh theo các quy hoạch đã được duyệt.

- Có ý tưởng đề xuất Hà Nội cần xây dựng các hệ thống ngầm lớn, vừa dùng làm hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật khác, vừa là kênh thoát nước xả ra sông Hồng. Xin hỏi đã  có chủ trương hay dự án nào về việc này chưa?

- Trên thế giới một số nước đã thực hiện mô hình này. Tuy nhiên, để áp dụng cần nghiên cứu đánh giá toàn diện nhiều mặt của dự án, cũng như xem xét nguồn lực kinh tế; bảo tồn văn hóa... Để đáp ứng yêu cầu tiêu thoát nước của thành phố, cần tập trung thực hiện Quy hoạch thoát nước thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 số 725 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó ưu tiên các công trình đầu mối như hồ điều hòa, trạm bơm…

Thiết thực giúp dân đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão ảnh 3CATP Hà Nội giúp người dân huyện Chương Mỹ khắc phục hậu quả sau trận mưa lũ tháng 10-2017 

Hoạt động của CSGT trong mùa mưa bão

- Cảnh sát giao thông (CSGT) có e ngại mùa mưa bão hay không? Tôi thấy dù mùa mưa hay mùa nắng nóng, các anh đều rất vất vả…

- Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt (CATP Hà Nội): Khi được giao nhiệm vụ thì bất cứ mùa nào dù nắng nóng hay mưa bão thì lực lượng CSGT chúng tôi đều khắc phục mọi hoàn cảnh khó khăn về thời tiết để có thể tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân đi lại an toàn thông suốt. 

- CSGT đường bộ có cần biết bơi như một tiêu chí bắt buộc hay không? Ví dụ như khi nhà tôi ngập sâu, phải bơi thuyền cần CSGT vào hỗ trợ thì sao?

Thiết thực giúp dân đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão ảnh 4

- Trong quá trình đào tạo tại các trường CAND thì bơi lội là một trong những môn học bắt buộc. Vì vậy, mỗi CBCS khi ra trường thực hiện nhiệm vụ đều có những kỹ năng cần thiết để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trong đó kỹ năng bơi lội đảm bảo kịp thời đáp ứng cứu hộ cứu nạn khi cần.

- Chúng tôi thấy nhiều CSGT đẩy xe giúp dân khi ngập nước, đứng giữa nắng phân luồng... Họ có chế độ thưởng gì xứng đáng không?

- Lực lượng Công an hưởng lương theo quân hàm. CSGT chúng tôi khi làm việc, ngoài hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công thì giúp dân những việc trong khả năng, có ý nghĩa là đem lại niềm vui, đặc biệt là sự ghi nhận của người dân khiến chúng tôi có thêm động lực làm việc, chứ không vì nguồn lợi vật chất nào khác. Tuy nhiên, những cá nhân làm tốt công tác, đồng thời làm được nhiều việc tốt giúp dân thì sẽ được Ban chỉ huy ghi nhận và đánh giá cao.

Giữ an toàn tài sản cho dân trên mỗi dòng sông

- Trước mỗi mùa mưa bão, lực lượng CSGT đường thủy lên kế hoạch thế nào để tránh những hậu quả đáng tiếc về người và của có thể xảy ra?

Thiết thực giúp dân đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão ảnh 5

- Trung tá Đỗ Thế Dự, Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát số 2, Phòng CSGT đường thủy (CATP Hà Nội): Hàng năm, đơn vị chủ động nắm bắt tình hình, xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương trên dọc tuyến rà soát số hộ dân sinh sống trên mặt nước cũng như ven bờ, tổ chức tuyên truyền chấp hành luật giao thông đường thủy, Nghị đinh 132 của Chính phủ. Đồng thời đưa ra các biện pháp di dời, ứng phó với các tình huống đột xuất xảy ra khi mùa mưa bão. 

Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, quản lý bến khách, cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm, không cho phương tiện xuất bến khi không đảm bảo an toàn. Cảnh sát đường thủy phối hợp với các đơn vị tổ chức tuyên truyền, trao tặng áo phao cho các phương tiện chở khách nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách khi tham gia giao thông. Bên canh đó, đơn vị thường xuyên xây dựng phương án tổ chức cứu hộ cứu nạn khi có các tình huống đột xuất xảy ra. 

- Lỗi vi phạm phổ biến nhất của các chủ phương tiện, người điều khiển... mà CSGT đường thủy thường phải xử lý là gì vậy, xin cho biết?

- Đó là người điều khiển phương tiện không có bằng chứng chỉ chuyên môn, hoặc bằng chứng chỉ chuyên môn không phù hợp, không bố trí đủ đinh biên thuyền viên; Phương tiện chở hàng quá vạch mớn nước (quá tải); Neo đậu phương tiện không đúng nơi quy định.