Thiệt đơn, thiệt kép

ANTĐ - Đùng đùng tăng giá thêm hơn 40.000 đồng/bình 12kg chỉ ngay sau Tết Nguyên đán, rồi trước sức ép dư luận, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh gas lại giảm giá 10.000 đồng/bình 12kg cho người tiêu dùng.

 Lý do tăng giá được cho là “bất khả kháng” khi giá mặt hàng này trên thế giới tăng, còn nguyên nhân giảm giá lại dễ dãi, thiếu căn cứ theo kiểu “chia sẻ với người tiêu dùng”. Điều này đặt ra câu hỏi, liệu các doanh nghiệp kinh doanh gas có đang “móc túi” người tiêu dùng một cách tùy tiện?

Ở khía cạnh khác, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối gas cũng phải thừa nhận, khó quản lý hệ thống đại lý bán lẻ của mình, từ đó dẫn đến việc tăng giá thiếu kiểm soát của đại lý. Phần lớn người tiêu dùng gas trong nước lại dùng sản phẩm của các cửa hàng bán lẻ này nên họ phải chịu thiệt đơn, thiệt kép. Khi doanh nghiệp đầu mối còn khó quản hệ thống phân phối của chính họ thì cơ quan quản lý nhà nước ở “xa” hơn, thanh tra, kiểm tra càng không hề dễ dàng.

Hiện tại, giá gas trong nước đã giảm nhẹ, làm “nhẹ gánh” bớt cho người tiêu dùng trong bối cảnh khó khăn. Các doanh nghiệp đầu mối đáng được hoan nghênh. Tuy nhiên, với lý do giảm giá này, người tiêu dùng lại nhen nhóm thêm những hy vọng, giá gas trong nước vẫn còn có thể giảm được thêm nữa, bởi chưa doanh nghiệp đầu mối nào cho hay họ đã phải bán hòa hay lỗ cho khách hàng. Thêm vào đó, cơ quan quản lý chưa có kết luận về việc doanh nghiệp gas tăng giá hợp lý không, mà chỉ kiểm tra căn cứ trên giấy tờ báo cáo của doanh nghiệp.

Diễn biến giá gas vừa qua cũng cho thấy một thực tế, giá mặt hàng này thời gian qua chưa được kiểm tra sát sao, dẫn đến việc tăng giá thiếu thuyết phục, ảnh hưởng đến tâm lý hàng triệu người tiêu dùng. Rồi đây, khi giá sữa tiếp tục tăng, giá xăng dầu đang “rung rinh” theo chiều tăng của giá thế giới, giá điện “nhăm nhe” điều chỉnh thêm theo giá than… người tiêu dùng sẽ ra sao nếu doanh nghiệp luôn muốn “vung tay quá trán”, cơ quan quản lý chỉ “lập cập”… chạy theo khi dư luận bất bình dữ dội?

Tin cùng chuyên mục