Thiên tai nhiều, kinh nghiệm thiếu

(ANTĐ) - Là một quốc gia thường xuyên phải gánh chịu các loại thiên tai như bão lũ, mưa lụt, giông sét và cả động đất, song, phần lớn người dân Việt Nam lại thiếu những kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ mình trước thiên tai.

Thiên tai nhiều, kinh nghiệm thiếu

(ANTĐ) - Là một quốc gia thường xuyên phải gánh chịu các loại thiên tai như bão lũ, mưa lụt, giông sét và cả động đất, song, phần lớn người dân Việt Nam lại thiếu những kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ mình trước thiên tai.

Sống chung với hiểm nguy

Cần tránh xa cây to, biển quảng cáo khi trời mưa giông
Cần tránh xa cây to, biển quảng cáo khi trời mưa giông

Trên địa bàn Hà Nội, mùa mưa bão năm nào cũng xảy ra những vụ việc liên quan đến cây đổ, gãy. Thống kê của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Cây xanh Hà Nội cho thấy, năm 2010, địa bàn Hà Nội có trên 300 cây xanh gãy, đổ.

Ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cây xanh Hà Nội cho biết, trên địa bàn TP có nhiều cây cổ thụ, tán rất nặng. Năm nào, công ty cũng cắt sửa tán, tỉa cành trước mùa mưa bão, nhưng do mưa xuống, đất quanh gốc cây nhão, cộng với cây nặng tán dẫn đến tình trạng đổ, gãy cây. Ngoài ra, cũng cần phải kể đến các hoạt động làm mới, tu sửa đường, mở rộng vỉa hè… lực lượng thi công đã cắt xén bớt rễ cây, nên hễ mưa xuống là bật gốc. Còn trên địa bàn cả nước, theo thống kê từ khoa Hồi sức cấp cứu BV Việt Đức, thời gian gần đây, các loại hình tai nạn liên quan đến cây đổ, tường sập ngày một gia tăng.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ giông sét cao nhất nhì thế giới. Việc phòng tránh giông sét và những tác hại của nó là hoàn toàn có thể, song mùa mưa nào cũng vậy, nhiều cái chết thương tâm vì sét đánh vẫn xảy ra.

Những ngày cuối tháng 5, nhiều người đã bị chết vì sét đánh. Điển hình trong ngày 22-5, cả nước có 4 người tử vong vì sét đánh. Tại Cao Bằng, 2 bố con đang ngủ trưa trong lều bị sét đánh chết và tại Thừa Thiên -Huế, 3 người đi làm đồng cũng bị sét đánh, làm 2 người chết, 1 người bị thương…

Việt Nam nằm ở tâm giông của châu Á, một trong ba tâm giông trên thế giới có hoạt động giông sét mạnh. Hoạt động giông sét ở nước ta diễn ra mạnh mẽ từ tháng 4 đến tháng 9. Tại Việt Nam, số ngày giông trung bình khoảng 100 ngày/năm và số giờ dông trung bình là 250 giờ/năm. Ông Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho rằng, trong hơn 10 năm gần đây, rất nhiều công trình, đường dây tải điện, kho tàng, các thiết bị ngành bưu chính viễn thông, thiết bị nghiên cứu khoa học, thiết bị điện tử đã bị sét đánh hỏng gây thiệt hại rất lớn.

Tỉnh táo trước thiên nhiên

Khi xảy ra động đất không hốt hoảng, không chen lấn để thoát hiểm

Khi xảy ra động đất không hốt hoảng, không chen lấn để thoát hiểm

Dù sét là hiện tượng ngẫu nhiên nên không có vị trí an toàn tuyệt đối nhưng việc chủ động đề phòng tránh sét tìm nơi an toàn hơn có thể làm giảm đáng kể khả năng bị sét đánh. Ông Nguyễn Xuân Anh khẳng định, điều đơn giản và tối thiểu nhất người dân cần làm là nghe dự báo thời tiết để lên kế hoạch làm việc.

Cũng theo ông Anh, khi trời sắp xảy ra giông, nơi an toàn để tránh sét là toà nhà, hay công sở có lắp đặt hệ thống chống sét. Trong trường hợp không kịp về nhà khi gặp giông bão, tuyệt đối không trú mưa dưới cây cối, tránh xa khu vực cao xung quanh có các vật dụng sắt thép như xe máy, hàng rào sắt... Không đứng thành nhóm người gần nhau.

Nếu như cảm thấy tóc bị dựng lên (như cảm giác điện khi sờ tay trước mặt tivi) điều đó có nghĩa là có thể bị sét đánh bất cứ lúc nào. Lập tức ngồi xuống và lấy tay che tai, không nằm xuống đất hay đặt tay lên đất. Đứng xa các vật cao, ra ngay khỏi những nơi chứa nước. Các vùng đỉnh núi hay sườn núi nhô cao cũng rất nguy hiểm. Khi ở trong nhà thì nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại trừ trường hợp rất cần thiết. Nên rút phích cắp các thiết bị điện trước lúc có giông gần xảy ra.

Lưu ý, hiện rất nhiều người chủ quan, nghe điện thoại trong lúc có mưa giông. Ông Anh cho biết, trên thế giới đã có những trường hợp sét đánh thủng não do nghe điện thoại lúc giông sét.

Người bị sét đánh cần được cứu giúp ngay tức khắc. Nếu người bị sét đánh bị ngất (tim ngừng đập, tắt thở) phải thực hiện khẩn cấp các động tác hô hấp, trợ tim nhân tạo. Tìm những nơi bị gãy, đặc biệt cẩn thận không di chuyển nạn nhân nếu nghi ngờ bị gãy cột sống. Để những nơi bị bỏng khô và tìm cách nhanh nhất để nhân viên y tế đến.

Tần suất xảy ra động đất ở Việt Nam ngày một gia tăng, vấn đề này đã được ông Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu xác nhận. Theo ông Minh, một số kiến thức phòng tránh cơ bản mà mọi người cần nắm rõ như: bình tĩnh, nếu đang ở trong nhà nhanh chóng nấp xuống gầm bàn, giường... hoặc lấy gối, chăn bông trùm bảo vệ đầu. Nhanh chóng tắt hết các thiết bị điện tử. Khi rung chấn qua đi, đợi thêm một thời gian ngắn xem có những đợt rung chấn tiếp theo không rồi mới ra khỏi nhà. Tuyệt đối không được chen lấn, xô đẩy và không dùng thang máy để thoát hiểm.

 Trong tình huống hoả hoạn, che mũi và miệng với khăn tay hoặc khăn lau, cúi thấp người khi di chuyển hoặc bò, trườn đi. Di chuyển dọc theo các bức tường đến chỗ thoát hiểm gần nhất (đi theo hướng di chuyển của khói); trong trường hợp đang tham gia giao thông ngoài trời, cần nhanh chóng di chuyển xe vào lề đường, dừng xe tắt máy, tránh các gốc cây to hoặc cột điện, không di chuyển đến chỗ an toàn bằng xe; khi trên các phương tiện giao thông công cộng như tàu hỏa, xe buýt, cần bám chặt vào các đai vịn hoặc dây an toàn, không xô đẩy để thoát ra ngoài theo cửa thoát hiểm, bình tĩnh làm theo chỉ dẫn…

Ngân Tuyền