Thí điểm chặn giao dịch chuyển khoản đến tài khoản ngân hàng nghi ngờ gian lận, giả mạo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngân hàng Nhà nước đang thí điểm giải pháp giám sát các tài khoản nghi ngờ gian lận, giả mạo. Nếu xác định giao dịch có nguy cơ về gian lận, giả mạo sẽ bị chặn hoặc yêu cầu bắt buộc phải xác thực để thực hiện giao dịch.

Liên quan việc triển khai Thông tư 2345 của Ngân hàng Nhà nước, ông Lê Văn Tuyên, phó Vụ trưởng vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến hết 22/7, có khoảng 26,3 triệu khách hàng đã được xác thực sinh trắc học với CCCD gắn chíp.

Trong đó, có 22,5 triệu khách hàng xác thực qua ứng dụng di động và 3,8 triệu khách hàng thực hiện xác thực tại quầy.

Đồng thời, đến nay đã có 37 tổ chức tín dụng đã triển khai xác thực qua ứng dụng mobile và 47 tổ chức tín dụng triển khai xác thực tại quầy.

Có 25 tổ chức tín dụng đã gửi dữ liệu sang C06 - Bộ Công an, 22 tổ chức tín dụng đang triển khai trên nền tảng VneID.

Trong quá trình thực hiện xác thực sinh trắc học, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, đã xuất hiện một số hình thức lừa đảo.

Ông Lê Hoàng Chính Quang, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (NHNN) cho biết, báo cáo từ các ngân hàng thương mại xác nhận có xảy ra tình trạng giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện đến hỗ trợ xác thực sinh trắc học. Các đối tượng dẫn dụ khách qua đó chiếm quyền điều khiển điện thoại và thực hiện chuyển tiền của khách hàng.

Xác thực sinh trắc học là giải pháp bảo vệ an toàn cho khách hàng trong giao dịch ngân hàng trực tuyến

Xác thực sinh trắc học là giải pháp bảo vệ an toàn cho khách hàng trong giao dịch ngân hàng trực tuyến

Trước tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản số 5675 hướng dẫn, cảnh báo, để các ngân hàng có các biện pháp truyền thông, cảnh báo khuyến nghị đến khách hàng.

Theo đó, người dân được khuyến cáo chỉ thực hiện xác thực sinh trắc học thông qua ứng dụng chính thức và website chính thống của ngân hàng hoặc xác thực tại quầy. Tuyệt đối không xác thực sinh trắc học thông qua đường link lạ, đường link không chính thống đồng thời không cung cấp bất kỳ thông tin bảo mật nào cho người khác để nhờ xác thực sinh trắc học.

Ngân hàng cũng phải có những hướng dẫn cơ bản, cụ thể để khuyến cáo khách hàng của mình không sử dụng ứng dụng lạ, không click vào đường link lạ. Đối với điện thoại thì không cấp quyền trợ năng hay phá khóa điện thoại.

Đặc biệt là không cung cấp các thông tin về tài khoản, mật khẩu, OTP cho bất kỳ ai kể cả với nhân viên ngân hàng. Đồng thời, các ngân hàng cũng cần có những bản vá, bản cập nhật kịp thời để kịp thời xử lý, ngăn chặn các lỗ hổng bảo mật.

Bên cạnh bảo mật bằng xác thực sinh trắc học, thời gian qua NHNN đã có nhiều giải pháp để phòng chống lừa đảo trên không gian mạng. Như áp dụng các biện pháp xác thực mạnh trong giao dịch; áp dụng các cơ chế giám sát các giao dịch bất thường để xử lý, ngăn chặn kịp thời.

Ngân hàng cũng có các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện điện thoại bị bẻ khóa để kịp thời cảnh báo đến khách hàng.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đang thí điểm giải pháp giám sát các tài khoản nghi ngờ gian lận, giả mạo tại các tổ chức tín dụng.

"Các tổ chức tín dụng sẽ thông báo thông tin nghi ngờ giả mạo về Ngân hàng Nhà nước. Nếu xác định bất thường, giao dịch có nguy cơ về gian lận, giả mạo sẽ bị chặn hoặc yêu cầu bắt buộc phải xác thực để thực hiện giao dịch" - ông Lê Hoàng Chính Quang thông tin.

Được biết, Ngân hàng Nhà nước đang dự kiến thay thế Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.

Trong đó, NHNN đề xuất xây dựng Bộ tiêu chí nhận diện các thẻ, chủ thẻ có dấu hiệu nghi ngờ gian lận, lừa đảo vi phạm pháp luật.

Cụ thể, theo dự thảo Thông tư được lấy ý kiến, tổ chức phát hành thẻ sẽ phải xây dựng Bộ tiêu chí nhận diện các thẻ, chủ thẻ có dấu hiệu nghi ngờ gian lận, lừa đảo vi phạm pháp luật.

Bộ tiêu chí này sẽ bao gồm các dấu hiệu về: nghi ngờ tính hợp pháp, hợp lệ của giấy tờ, tài liệu, thông tin, dữ liệu do chủ thẻ cung cấp khi giao kết hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ và trong quá trình sử dụng thẻ;

Số lượng, giá trị, tần suất giao dịch qua thẻ không phù hợp với thông tin nhận biết khách hàng của chủ thẻ; thiết bị, địa chỉ IP thực hiện giao dịch không phải của chủ thẻ; chủ thẻ thuộc danh sách cảnh báo của cơ quan chức năng.

Tổ chức phát hành thẻ phải thường xuyên rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, cập nhật Bộ tiêu chí dựa trên các thông tin, dữ liệu trong quá trình phát hành và sử dụng thẻ.

Thời gian qua, một số ngân hàng thương mại cũng đã thí điểm giải pháp này. Như tại MB, ngân hàng đã triển khai nhận diện lập tức tài khoản lừa đảo ngay khi khách hàng nhập thông tin chuyển khoản.

Cụ thể, khi thao tác chuyển tiền trên app MBBank, khách hàng sẽ nhận được cảnh báo trong trường hợp số tài khoản nhận tiền là tài khoản lừa đảo, dựa trên thông tin được Cục An ninh và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) cập nhật liên tục. Điều này cho phép khách hàng dễ dàng chặn các giao dịch lạ, nghi ngờ, giúp bảo vệ an toàn tài khoản và tài sản của mình.