Thấy gì qua sắc lệnh đặc biệt hỗ trợ quân đội Nga vừa được Tổng thống Putin ký?

ANTD.VN -  Tổng thống Nga Putin vừa ký sắc lệnh cho phép huy động tài sản dự trữ và nguồn lực kinh tế hỗ trợ quân đội hoạt động ở nước ngoài. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký sắc lệnh cho phép chính phủ triển khai những biện pháp kinh tế đặc biệt nhằm hỗ trợ các lực lượng vũ trang Nga và lực lượng quốc phòng khác của nước này đang thực hiện "nhiệm vụ chống khủng bố hoặc nhiệm vụ khác" bên ngoài lãnh thổ.

Sắc lệnh này được công bố trên Cổng thông tin luật của chính phủ Nga.

Theo sắc lệnh, với hợp đồng giữa doanh nghiệp và khách hàng là cơ quan chính phủ (bao gồm Bộ Quốc phòng Nga, Bộ Tình huống Khẩn cấp, Vệ binh Quốc gia, Cơ quan An ninh Liên bang và Cơ quan Phòng vệ Liên bang), bên mua được phép điều chỉnh tăng hoặc giảm lượng hàng hóa và dịch vụ trong hợp đồng.

Nhóm biện pháp kinh tế đặc biệt còn cho phép chính phủ "mở tài sản dự trữ quốc gia, huy động tạm thời các nguồn lực và cơ sở kinh tế".
Trong trường hợp doanh nghiệp được áp dụng biện pháp kinh tế đặc biệt, thì doanh nghiệp đó dù thuộc ngành nghề nào, do bất kỳ ai sở hữu, cũng không được từ chối hợp đồng từ chính phủ.
Những loại hợp đồng này sẽ bao gồm hàng hóa, giao việc, cung cấp dịch vụ để hỗ trợ "nhiệm vụ chống khủng bố và các nhiệm vụ khác bên ngoài lãnh thổ liên bang mà lực lượng vũ trang Nga, những lực lượng khác như dân quân, cơ quan chống khủng bố và những cơ quan khác đang thực hiện".
Doanh nghiệp trong trường hợp được huy động cần dùng mọi biện pháp để nhanh chóng hoàn thành hợp đồng, cần thiết có thể yêu cầu nhân viên làm việc vào ca đêm và ngày nghỉ
Trong cùng ngày, ông Putin ký một số sắc lệnh tăng mức xử phạt đối với cá nhân hoặc tổ chức bị phát hiện là "đặc vụ nước ngoài".
Nga tăng khung xử phạt hình sự đối với hành động đào ngũ, đặc biệt là tội phản quốc.
Nhóm biện pháp kinh tế được ban hành cho thấy Nga đang tái tổ chức các ngành nghề kinh tế để hỗ trợ chiến sự.

Trước đó Hạ viện Nga xem xét thông qua hai dự luật cho phép chính phủ yêu cầu doanh nghiệp cung cấp hàng hóa cho quân đội theo cơ chế kinh tế thời chiến.

Giới phân tích cho rằng, có thể Nga đang gặp nhiều vấn đề khi mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.

"Gánh nặng đối với ngành công nghiệp quốc phòng đã tăng lên đáng kể. Để đảm bảo nguồn cung vũ khí và đạn dược, chúng ta cần phải tối ưu hóa công việc của khu vực công nghiệp - quân sự và các doanh nghiệp liên quan", Phó thủ tướng Nga Yuri Borisov vừa cho biết.

Theo ông Borisov, quân đội Nga đang cần được hỗ trợ, giữa lúc nền kinh tế đất nước chịu "áp lực trừng phạt khổng lồ" từ phương Tây, sau hơn 4 tháng phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine

"Hiện nay, khi các nước phương Tây tăng cường hiện diện quân sự gần biên giới Nga, thúc đẩy áp lực trừng phạt, tăng cung cấp vũ khí cho Ukraine, tầm quan trọng của các dự luật này là không thể xem thường", Phó thủ tướng Nga nói.

Một trong hai dự luật được trình bày tại Hạ viện Nga nêu rõ chính phủ có thể áp đặt các "biện pháp kinh tế đặc biệt" trong thời gian Moscow tiến hành chiến dịch quân sự, yêu cầu các công ty cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho quân đội.
Một ghi chú kèm theo dự luật cho biết quân đội Nga cần thêm vật liệu mới và dịch vụ sửa chữa vũ khí để tiếp tục chiến dịch ở Ukraine.
Trước đó truyền thông quốc tế từng cho rằng, thay vì sớm kết thúc chiến sự ở Ukraine, Tổng thống Putin dường như muốn kéo dài giao tranh, chờ đợi thời điểm phương Tây mệt mỏi với Kiev.
Khi xung đột Ukraine kéo dài sang tháng thứ 5, các lãnh đạo phương Tây dần nhận ra hai ý định của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Thứ nhất, chiến dịch của Nga sẽ không kết thúc sớm, sau khi tổn thất nặng giai đoạn đầu Moscow đang có lợi thế tại Donbass.

Thứ hai, tương lai quan hệ giữa phương Tây với Moscow sẽ không có gì ngoài sự ngờ vực và thù địch lẫn nhau.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định cuộc chiến có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.

Avril Haines, giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, cũng cảnh báo rằng Nga đang chuẩn bị cho một "cuộc chiến kéo dài" ở Ukraine.

Triển vọng về giải pháp ngoại giao cho xung đột trở nên mờ mịt, khi Tổng thống Putin dường như không cần đến chúng. Điện Kremlin không có ý định chấm dứt cuộc chiến, trong khi đà tiến của Nga ở miền đông Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại.

Sau thất bại trong giai đoạn đầu chiến dịch ở miền bắc Ukraine, lực lượng Nga đã áp dụng chiến thuật mới: tận dụng hỏa lực pháo binh áp đảo ở các mục tiêu nhỏ hơn, cho phép quân đội của họ "tiến chậm mà chắc".

Chiến thuật này phù hợp với tính toán của ông Putin, ít nhất là vào thời điểm này. Ông không có động cơ để ngồi vào bàn đàm phán, bởi hành lang trên bộ ở miền đông và nam Ukraine mà Nga kiểm soát không thể được coi là một chiến thắng lớn, một nhà phân tích phương Tây kết luận.