- Lối về cho những người lầm lỗi hoàn lương
- Quy trình quản lý, giáo dục người chấp hành xong án hình sự tại cộng đồng của Công an cấp xã là cần thiết
Buổi lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam vừa qua tại Trường Giáo Dưỡng số 3 (Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an, đóng tại xã Hoà Phú, huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng), không khí đầm ấm tình người.
Những người thầy giáo mặc áo lính của trường Giáo Dưỡng số 3 luôn tận tâm với sự nghiệp giảng dạy văn hóa, gieo mầm thiện cho trẻ lầm lỗi. |
Trung tá Huỳnh Ngọc Linh, Phó Hiệu trưởng Trường Giáo Dưỡng số 3, Đại uý Dương Quang Tuấn giáo viên chủ nhiệm và Thiếu tá Dương Thị Thuý Mai giáo viên văn hóa cùng đã nhắc đến Mạnh Linh như một “mầm thiện” thành công nhất mà các thầy cô đã tâm huyết, giúp những người lầm lỗi quay về nẻo thiện, trở thành những người tốt, công dân có ích của xã hội.
Thiếu tá Dương Thị Thuý Mai, một trong số 16 cán bộ chiến sĩ, giáo viên của nhà trường đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua năm 2022, và là tấm gương giáo viên vì Sự nghiệp gieo mầm thiện, tâm sự: “Dạy dỗ một con người đã khó, rèn giũa một đứa trẻ có quá khứ không tốt lại càng khó gấp bội. Để làm được điều này, giáo viên phải hết sức nhẫn nại, dùng tình yêu thương của mình cảm hoá những đứa trẻ, đang chông chênh giữa những ngã rẽ cuộc đời. Bên cạnh dạy trẻ con chữ, phải uốn nắn, cho trẻ học kỹ năng sống, chỉ bảo nếp sống, từ đó khơi gợi để trẻ biết yêu thương mọi người, nhận ra những lỗi lầm, tránh xa thói hư, tật xấu”. Những giáo viên mang quân phục xanh của trường Giáo Dưỡng số 3 đã không quản ngại vất vả, khó khăn mà phải sống tận tuỵ bằng cái tâm, tình yêu thương học trò, giúp các em dần trưởng thành, có thể đứng vững trước những sóng gió cuộc đời.
Trong cuộc trò chuyện, cô Mai cho hay, thi thoảng, nhận được tin của các em từng vào trường đã trưởng thành… là niềm vui vỡ oà. Có không ít các em lúc ở bên ngoài xã hội sống buông thả, chơi game, không biết làm gì. Do đó, giáo viên phải biết kết hợp nhuần nhuyễn nghiệp vụ giáo dục, sư phạm và nghiệp vụ Công an.
Như trường hợp của Nguyễn Mạnh Linh; Linh từng là một trẻ vị thành niên khó bảo, nghiện game, nhiều lần vi phạm pháp luật. Quá trình học tập tại trường, Linh may mắn được các thầy cô giáo quan tâm, động viên, tạo điều kiện phát triển bản thân, phát triển những điểm mạnh như làm MC. “Nếu trường phổ thông dạy cho tôi con chữ, thì trường giáo dưỡng dạy cho tôi cách làm người, và tôi biết ơn thầy cô giáo ở đây rất nhiều”, Linh bày tỏ.
Ra trường, từ những mầm thiện và kiến thức của các thầy cô ở trường Giáo dưỡng số 3, Linh đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của mình, anh không chỉ hiện là một Giám đốc chiến lược, Phó chủ tịch một công ty lớn ở Hà Nội mà anh đã quay lại trường, hỗ trợ giới thiệu công ăn việc làm cho nhiều bạn học viên khi ra trường.
Đại uý Dương Quang Tuấn, giáo viên chủ nhiệm đội 3 thì chia sẻ, anh trở thành giáo viên ở trường Giáo Dưỡng số 3 đến nay tròn 10 năm. "Để dạy dỗ một con người đã khó, rèn giũa một đứa trẻ có quá khứ không tốt lại càng khó gấp bội. Để làm được điều này, giáo viên nhẫn nại, dùng tình yêu thương của mình cảm hoá những đứa trẻ, đang chông chênh giữa cuộc đời. Mình phải khơi gợi để trẻ biết yêu thương mọi người, nhận ra những lỗi lầm, tránh xa thói hư, tật xấu".
Đại úy Dương Quang Tuấn còn kể cho chúng tôi nghe về trường hợp của em S.D, người dân tộc Jrai. Chỉ hơn 14 tuổi, D có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, cha, mẹ nghèo lam lũ trên rẫy cao mà có phần lơ là con trẻ. D ở nhà, theo chúng bạn sớm tiếp xúc tiêm nhiễm thói hư. D đã trả giá, phải 24 tháng vào trường Giáo Dưỡng số 3 học tập và rèn luyện vì hành vi học theo phim đen xâm hại một bé gái.
D lầm lì, ít nói lại khác biệt về ngôn ngữ nên để giúp em, thầy Tuấn đã nhiều ngày kiên trì trò chuyện. Nhận thấy được tấm lòng của người thầy, D. đã chấp nhận anh. Đến nay, cậu xem thầy Tuấn như là người bạn, người anh, người cha của mình. Sau khoảng thời gian dài, D đã tiến bộ nhiều. Thầy Tuấn vui mừng cho biết, dự kiến cuối tháng 12/2022 này, D sẽ được xem xét giảm thời hạn, ra trường trở về với bố, mẹ với bản làng để làm một người có ích cho xã hội.
Trung tá Huỳnh Ngọc Linh, Phó Hiệu trưởng Trường Giáo Dưỡng số 3, Trường hiện có 61 học sinh, phần lớn là người dân tộc thiểu số. Ngoài việc dạy văn hoá, nhà trường còn dạy nghề như xây dựng, hàn, chăn nuôi, trồng trọt… phù hợp với điều kiện, trình độ văn hoá và độ tuổi của các em.
Năm qua, Trường được Giấy khen vì đã có thành tích trong thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ an ninh, trật tự Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; Giấy khen vì đã có thành tích trong Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trường cũng có 11 lượt tập thể và 26 lượt cá nhân được Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng tặng giấy khen. Ngoài ra còn có 9 lượt tập thể và 28 lượt cá nhân đang đề nghị Bộ Công an, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng tặng bằng khen và giấy khen. Dịp kỷ niệm 45 năm thành lập trường, Trường đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; UBND TP Đà Nẵng tặng bằng khen trong công tác giúp dân phòng, chống và khắc phục hậu quả sau bão số 4 và số 5…