- Hỏa hoạn ở kho chứa phế liệu, cột khói bốc cao hàng trăm mét
- Nguy cơ ngộ độc khí Clo từ sơ chế, tái chế phế liệu
- Tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ tại các cơ sở thu mua phế liệu
Nguy cơ mất an toàn
Sau sự việc hoả hoạn khiến 3 người thiệt mạng, do chủ hộ thu mua phế liệu ép nhầm bình xịt tóc tại Thanh Trì, Hà Nội hôm nào, càng cho thấy hiểm họa cháy nổ thường trực, nhất là gần như không có bất kỳ biện pháp PCCC nào tại các cơ sở này.
Trên địa bàn xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai có hơn 40 hộ sản xuất, kinh doanh, liên quan đến thu gom phế liệu. Trong đó, khoảng đất rộng 5.000m2 thuộc Khu chẹo, Gốc Gạo đã được UBND huyện Quốc Oai giao thầu cho 16 hộ dân để sản xuất, thu gom phế liệu và tái chế rác thải nhựa.
Do nguy cơ mất an toàn PCCC tại khu vực này luôn hiện hữu, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Quốc Oai đã thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở và yêu cầu gắt gao chủ các kho phế liệu tại đây cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về an toàn cháy, nổ. Tuy nhiên, do chứa nhiều vật liệu dễ cháy và sự chủ quan của người đứng đầu cơ sở, nên những sự cố cháy đã từng xảy ra.
Kho xưởng phế liệu nhựa của anh Nguyễn Duy Mạnh bị thiêu rụi |
Gia đình anh Nguyễn Duy Mạnh, ở xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, có hơn 250m2 nhà xưởng làm kho nhựa phế liệu. Trưa ngày 20-8 vừa qua, nhà xưởng của anh Mạnh đã bị thiêu rụi. Do chất cháy là nhựa phế liệu nên đám cháy bốc nhanh và lửa lớn nên toàn bộ khu vực mái tôn bị sập hoàn toàn.
Theo Trung tá Nguyễn Văn Biển, Trưởng công an xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, thời điểm xảy ra cháy, khu nhà xưởng thu mua phế liệu này nằm sâu trong khu dân cư, đường nhỏ nên việc chữa cháy gặp nhiều khó khăn. “Trên đường tới hiện trường chúng tôi đã thấy khói bốc lên rất cao. Rất may thời điểm đó, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã có mặt kịp thời, nếu không thì nguy cơ cháy lan, cháy lớn cao. Ngoài ra, chúng tôi đã cùng với lực lượng PCCC cơ sở, tiến hành di dời tài sản đến nơi an toàn để kịp thời ngăn cháy lan, hạn chế được thiệt hại”, Trung tá Nguyễn Văn Biển kể lại.
Chớ để "mất bò mới lo làm chuồng"
Sau vụ hỏa hoạn, anh Mạnh cũng như các khu nhà xưởng xung quanh đã rút kinh nghiệm và bổ sung ngay các thiết bị PCCC tại chỗ. Đặc biệt, ngoài sự có mặt kịp thời của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, thì lực lượng PCCC tại chỗ của các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng đóng vai trò rất quan trọng để có thể dập tắt các sự cố cháy nổ ngay từ khi mới phát sinh.
CAH Quốc Oai đến kiểm tra, tuyên truyền cho hộ gia đình anh Nguyễn Duy Mạnh |
Ngay từ đầu năm 2024, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Quốc Oai đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn chủ các cơ sở phế liệu những biện pháp đảm bảo an toàn PCCC để hạn chế nguy cơ và thiệt hại do cháy nổ xảy ra.
Bên cạnh công tác kiểm tra, lực lượng chức năng còn tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở, hộ gia đình, người dân tiếp tục triển khai giải pháp bảo đảm an toàn PCCC. Đặc biệt, nhấn mạnh tầm quan trọng của phương châm “4 tại chỗ”.
“Để nâng cao chất lượng nghiệp vụ cho lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng trên địa bàn, huyện Quốc Oai tiếp tục kiện toàn lực lượng này cả số lượng và chất lượng; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ PCCC cho các đội viên; trang bị thêm phương tiện chữa cháy, CNCH; biên soạn tài liệu, huấn luyện PCCC dành riêng cho lực lượng dân phòng, đảm bảo ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hành”, Thượng tá Nguyễn Văn Dũng – Phó trưởng Công an huyện Quốc Oai khẳng định.
Các cơ sở thu mua phế liệu cần đảm bảo các quy định về PCCC |
Còn theo Trung tá Phùng Ngọc Hải – Phó đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Quốc Oai, để thực hiện tốt công tác phòng ngừa, kiềm chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy nổ, ngoài sự vào cuộc của lực lượng chức năng, các khu nhà xưởng, bãi tập kết, thu mua phế liệu cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp như: Phân loại, sắp xếp phế liệu thành từng lô, mỗi lô cách nhau 1,2m và cách tường 0,5m; cách trần và cách đèn 0,5m; đối với cơ sở lớn phải tính toán sân bãi đảm bảo cho xe chữa cháy có thể hoạt động.
Ngoài ra, cần lưu ý lắp đặt thiết bị bảo vệ (cầu chì, rơ le, Aptomat …) cho hệ thống điện và từng thiết bị điện tiêu thụ điện công suất lớn. Thường xuyên tổ chức tự kiểm tra hệ thống điện. Không sắp xếp, bố trí phế liệu, hàng hóa, vật dụng, phương tiện cản trở đường lối, cửa thoát nạn. Tổ chức tuyên truyền kiến thức về PCCC và CNCH đến toàn thể nhân viên, người lao động, tổ chức huấn luyện kỹ năng chữa cháy cơ bản, kỹ năng thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra.
Phải khẳng định, thu mua phế liệu vẫn đang là một nghề khá phổ biến, thu hút nhiều lao động, ở góc độ ý nghĩa với xã hội - còn giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên hiện có, có thể tái chế, góp phần nào bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh này chủ yếu phát triển một cách tự phát, kinh doanh nhỏ lẻ, nằm xen kẽ trong các khu dân cư. Hơn hết cả, để phòng ngừa các vụ hoả hoạn, người dân, tổ chức nên tích cực tham gia các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng, sự hiểu biết về phòng cháy và chữa cháy, trang bị kiến thức, trang bị về thiết bị, dụng cụ bảo hộ để sẵn sàng ứng cứu và chữa cháy cứu người. Tránh để mất bò mới lo làm chuồng.